Chùa Đục và Quan Âm Đài
Toàn cảnh chùa Đục – Đỉnh Liêm Tự nhìn từ dưới lên |
Di tích chùa Đục hiện nay nằm ở chân núi Giếng Tiền, thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh. Núi Giếng Tiền nằm về phía Tây của hòn đảo; ở đó có miệng núi lửa đã tắt nhìn về hướng Bắc. Bên trong miệng núi lửa là một vùng lòng chảo rộng chừng 20ha, trên thành lòng chảo có vòng cung phẳng hình chữ C; ở phía Tây miệng núi lửa, tại điểm cuối của vòng cung, có một đỉnh cao thoai thoải cách mặt biển chừng 80m, chính là nơi chùa Đục tọa lạc.
Theo con đường phía Tây của đảo Lý Sơn, rẽ phải một quãng sẽ thấy đường lên chùa Đục, còn gọi là Đỉnh Liêm tự. Từ xa đã có thể nhìn thấy cổng chùa với ba chữ Hán: Đỉnh Liêm Tự. Trước cổng chùa có hai trụ biểu hai bên, trên đó ghi một đôi câu đối như sau: “Bích Chi dạo gió tìm sơn động – Đỉnh Tự dừng chân chuyển pháp luân”.
Đường từ chân núi lên chùa Đục đã được xây dựng phong quang với 139 bậc đá, hai bên có lan can sơn màu trắng; hai bên đường còn nhiều cây dứa cổ và cây dương… tỏa bóng xanh mát. Trước chùa là tượng Bồ- tát Quan Thế Âm, một tay bắt ấn, một tay cầm bình nước cam lồ nhìn ra biển cả mênh mông, thể hiện ý nghĩa dõi theo và chở che cho những ngư dân ngày đêm trên biển, bảo vệ cuộc sống của họ trước những cơn bão tố. Tượng có chiều cao 27m, ngự trên tòa sen trắng, dưới chân tượng là án thờ; xung quanh án thờ có hình bốn con rồng đang giỡn nước. Tượng đứng giữa một khuôn viên hình ngũ giác, xung quanh khuôn viên là lan can màu trắng, nền lát gạch rất khang trang, sạch sẽ. Từ đó, tiếp tục đi lên du khách sẽ đến với chùa Đục. Từ ngoài nhìn vào, tổng thể chùa Đục bao gồm ba động đá lớn nhỏ khác nhau. Động thứ nhất cao và rộng, chính giữa thờ Phật tổ Như Lai, phía bên trái thờ Địa Tạng Bồ-tát, phía bên phải thờ vị tổ khai sơn. Ngoài ra, còn có tượng Phật nhập Niết- bàn. Ở phía Đông có một thạch động nhỏ hơn, bên trong cũng có đặt bàn thờ Tam thế Phật. Động ở phía Tây nhỏ nhất được gọi là động Viên Giác, được biết là nơi các nhà sư tọa thiền. Kế đó là trai đường. Trước chùa có một khoảnh sân rộng chừng 20m2.
Tượng Quán Thế Âm uy nghiêm tọa lạc ngay tiền sảnh chùa Đục |
Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.
Miệng núi lửa giờ đã thành một cánh đồng xanh mướt |
Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh
Đến với chùa Đục, người ta được thưởng ngoạn những cảnh vật thiên nhiên kỳ vĩ ở xung quanh. Phía Đông chùa Đục có một vùng đất bằng, trên đó có nơi được gọi là bàn cờ tiên mà theo truyền thuyết thì là nơi ngày xưa chư tiên xuống chơi cờ. Phía Tây có cổng đá Vò Vò, còn được gọi là cổng Trời, mà phía dưới có bãi tắm lý tưởng. Trước mặt chùa Đục là biển cả mênh mông và cách đó không xa là cù lao Bờ Bãi (đảo Bé).
Chùa Đục là một di tích thắng cảnh còn nhiều nét hoang sơ, nằm ở một vị trí có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, rất đẹp và rất nên thơ, là một nơi lý tưởng cho các Phật tử đến tham quan chiêm bái khi có dịp đặt chân đến đảo Lý Sơn.