(NLĐO)- Đến Lý Sơn, du khách không chỉ thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú mà còn có thể trải nghiệm cảm giác cùng đi biển, cùng làm hành tỏi, ăn ở, sinh hoạt với chính người dân ở đây.
Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ được biết đến vương quốc tỏi, nơi đây còn có những cảnh đẹp hoang sơ, thi vị đến xao lòng.
Đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý còn được biết đến với cái tên quen thuộc “vương quốc tỏi Lý Sơn”. Huyện đảo có diện tích tự nhiên khoảng 10 km2, gồm đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré), đảo Bé (còn gọi là cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu. Toàn huyện có 3 xã: An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé) với dân số khoảng 22.000 người. Đảo là vết tích còn lại của các ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động khoảng 25-30 triệu năm nên còn rất hoang sơ với nhiều cảnh sắt tuyệt mĩ và những tư liệu quý về Hoàng Sa.
Đến Lý Sơn, du khách không chỉ thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú có một không hai trên đảo mà còn có thể trãi nghiệm cảm giác cùng đi biển, cùng làm hành tỏi, ăn ở, sinh hoạt với chính người dân ở đây thông qua hình thức du lịch homstay. Với đặc tính thật thà, chất phát và hiếu khách của người dân xứ biển, chắc chắn du khách sẽ có cảm giác hài lòng, yên tâm khi được ở chính trong ngôi nhà của mỗi ngư dân. Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, trên đảo có 17 địa điểm nhà dân được cấp phép cho du khách lưu trú theo hình thức du lịch homestay.
Nếu không chọn hình thức du lịch homestay, hiện trên đảo có hàng trăm, khách sạn, nhà nghỉ sẵn sàng tiếp đón du khách. Với việc Tập đoàn Mường Thanh vừa đưa vào hoạt động khách sạn 4 sao Mường Thanh Lý Sơn đã đưa Lý Sơn trở thành địa điểm du lịch lý tưởng. Với quy mô 8 tầng, 92 phòng tiêu chuẩn với các trang thiết bị, tiện nghi đảm bảo chất lượng của khách sạn 4 sao. Nghỉ dưỡng tại đây, quý khách có thể dễ dàng khám phá nhiều di tích văn hóa, lịch sử như: chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng núi lửa, di tích Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, Âm Linh tự, các di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh…
Đến Lý Sơn du khách không nên bỏ qua:
Đảo Bé: Là đảo thứ 2 trong 3 đảo tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) và cũng được đánh giá là đảo có bãi biển đẹp và hoang sơ nhất tại Lý Sơn. Du khách không cần đặt trước khi muốn ra đảo Bé mà chỉ cần đến cầu cảng Lý Sơn có thể xuống cano cao tốc chạy thẳng đến đảo Bé với giá vé 50.000 đồng/người. Thời gian di chuyển từ cầu tàu đảo Lớn sang đảo Bé khoảng 15 phút. Đây là nơi mà bất kỳ ai đến với Lý Sơn cũng không thể bỏ qua. Ở đây, bạn có thể chụp ảnh hoàng hôn ấn tượng khó có nơi nào sánh kịp…
Hòn Mù Cu: Hòn Mù Cu nằm ở phía đông đảo cách trung tâm huyện 3,2 km sát với vũng neo đậu tàu thuyền An Hải. Là nơi rất đẹp bởi những hòn đá đen có nhiều kiểu độc đáo tạo nên, đây cũng là nơi nghĩ mát và ngắm mặt trời mọc lý tưởng trên đảo.
Cổng Tò Vò: Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi men theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.
Đỉnh Thới Lới: Là một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh núi cao nhất của toàn đảo Lý Sơn (149m). Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m3 cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả 2 đảo Lớn và đảo Bé.
Hang Câu: Nằm ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.
Chùa Hang: Chùa Hang ở xã An Hải, đảo Lý Sơn nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20m.
Giếng Tiền, Giếng Xó La: Đây là những giếng nước có một không hai trên đất đảo Lý Sơn. Tuy chỉ nằm sát mép biển, cách khoảng 20-30m nhưng nước giếng ngọt, trong xanh vô cùng. Nhiều du khách đến đây thưởng thức nước giếng đều thừa nhận nước giếng dù nằm sát biển nhưng ngọt lạ thường, không nơi nào sánh kịp.
Những ngôi nhà cổ 200 năm tuổi: Quanh đảo Lý Sơn hiện nay còn có hàng trăm ngôi nhà cổ kính được xây dựng bằng gồ, đá, có niên đại cách đây khoảng 200 năm. Hiện nhiều người dân sở hữu các ngôi nhà cổ này sẵn sàng tiếp đón du khách đến tham quan, chụp hình miễn phí.
Âm Linh Tự: Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích hay những người lính trong đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đi vâng mệnh triều đình ra giữ biển trời Hoàng Sa. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc… Hàng năm, tại Âm Linh Tự diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với quy mô cực lớn. Tất cả những họ hàng, người dân trên đảo thường đến cúng viếng thần linh, những bậc tiền hiền đã có công khai phá hòn đảo…
Chùa Đục và Quan Âm Đài: Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.
Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27m, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi.
Đình An Vĩnh: Đình làng An Vĩnh được xây dựng vào khoảng năm 1800. Năm 2009, đình An Vĩnh được Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu trùng tu phục dựng lại như cũ, nhưng không còn giữ được dấu tích và hiện vật liên quan đến Đội Hoàng Sa trước đây.
Kiến trúc đình làng An Vĩnh có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng.
Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa: Toạ lạc ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn, cụm tượng đài và nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng sừng sững trước sóng biển và nắng gió, như biểu tượng cho sự khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.