Đảo Lý Sơn phát triển ‘nóng’: Nguy cơ phá vỡ cảnh quan, xâm hại di tích

Trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện như một đại công trường xây dựng nhưng lại thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm dẫn đến cảnh quan môi trường bị phá vỡ nghiêm trọng.

xay-dung-ly-son

Lý Sơn hiện như một đại công trường xây dựng

Đó là nhận xét củaTS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi khi nói về tình trạng phát triển “nóng” trên đảo Lý Sơn,

Theo TS Vũ, việc xây dựng các công trình dân dụng, dân sinh, dịch vụ thiếu định hướng, thiếu quy hoạch làm cho đảo Lý Sơn biến dạng, phá đi vẻ đẹp tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thậm chí, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh bị xâm hại, có nguy cơ bị biến mất.

xay-dung-ly-son1

Người dân Lý Sơn thi nhau xây khách sạn cao tầng

TS Vũ cho rằng trên thực tế việc xây dựng đường cơ động xung quanh đảo tạo thuận lợi cho việc đi lại song bờ chắn xây quá cao làm tầm nhìn ra biển bị hạn chế, đồng thời làm mất đi nhiều thắng cảnh đẹp như: bãi Kiều Kiều, hang Cò, nhiều bãi biển đẹp từ hòn Mù Cu đến hang Câu bị san lấp, cổng Tò Vò có nguy cơ bị gãy đổ bất cứ lúc nào vì đường cơ động và đê chắn sóng làm thay đổi hướng sóng, hang Câu cũng bị sạt lở thường xuyên do chấn động.

Miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới được xây dựng thành hồ chứa nước làm mất cảnh quan tự nhiên và mất đi di chỉ văn hóa thời tiền sử cách đây 30 vạn năm. Ngoài ra, việc phát triển các dịch vụ, nhà hàng, lều quán dựng lên tại các điểm di tích trông nhếch nhác, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của cảnh quan biển và xâm hại đến di tích.

xay-dung-ly-son2

Các lều quán nhếch nhác do người dân làm tự phát, gây mất mỹ quan

“Có nhiều công trình xây dựng trên đảo Lý Sơn nhưng chưa bao giờ Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi được mời thẩm định hoặc tham gia ý kiến trước khi thực hiện để dự án không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, di sản địa chất”, TS Vũ bức xúc và cho rằng không vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở Lý Sơn mà đánh đổi giá trị của văn hóa, môi trường sinh thái đặc trưng. Đây là thứ cần phải bảo tồn để phát triển bền vững.

xay-dung-ly-son3

Miệng núi lửa trên núi Thới Lới thành hồ chứa nước làm mất đi di chỉ văn hóa thời tiền sử

xay-dung-ly-son4

Thắng cảnh cổng Tò Vò có thể gãy đổ nếu tiếp tục xây dựng con đường phía bắc đảo Lớn

Cũng theo TS Vũ, đảo Lý Sơn đất đai nhỏ hẹp, cấu tạo địa chất đặc biệt khác hẳn với các vùng biển đảo khác nên cần phải có kế hoạch để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan để trở thành đảo du lịch chứ không phải là nơi để phát triển thành đô thị biển. “Quan điểm của Sở là phải bảo tồn nguyên trạng di sản địa chất, di sản văn hóa trên đảo Lý Sơn. Có như vậy mới hy vọng UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, với mục đích trước hết là để phát triển du lịch”, TS Vũ nhấn mạnh và kiến nghị một số vấn đề cần phải làm ngay.

Đó là, tỉnh Quảng Ngãi cần ban hành quy chế riêng về quản lý đất đai, đầu tư tại đảo Lý Sơn, chấn chỉnh ngay việc cấp phép xây dựng tràn lan trên đảo như hiện nay. Không cho xây dựng thêm bất cứ khách sạn nào trên đảo mà nên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để người dân đất đảo được hưởng lợi từ mảnh đất mà họ bảo vệ, gìn giữ suốt 5-6 thế kỷ qua. Đối với tuyến đường cơ động đã xây dựng xung quanh đảo, tỉnh cần có ý kiến với cơ quan quốc phòng cho nâng cao mặt đường để không che khuất tầm nhìn khi đi dọc ven biển hoặc cắt bờ kè xuống thấp để có thể nhìn thấy cảnh quan biển. Những đoạn không thể cắt được thì mời các họa sĩ trong và ngoài nước vẽ những bức bích họa về nhiều đề tài khác nhau, giống như các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện tại làng bích họa vùng biển Tam Thanh (Quảng Nam).

Kiên quyết không cho tiếp tục xây dựng con đường phía bắc đảo Lớn, bởi tiếp tục làm con đường này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thềm đá núi lửa tự nhiên vốn đã tồn tại hàng triệu năm nay, gây thay đổi, thậm chí làm một số di sản địa chất bị đổ nát. Giữ nguyên hiện trạng, không cho xây kè, những con đường quanh đảo Bé.

xay-dung-ly-son5

Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Bé luôn thu hút du khách. Do vậy cần phải bảo tồn nguyên trạng

Hiển Cừ