(Cadn.com.vn) – Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi tuy không sống ở Lý Sơn nhưng ông lại được dân đảo coi như người nhà. Một số lão làng ở Lý Sơn từng nói với ông, rằng “sau này khi ông mất đi, con dân Lý Sơn sẽ lập mộ chiêu hồn để ghi nhận công lao của ông đối với đảo”…
“Mất ăn mất ngủ” vì Lý Sơn
Khi nói chuyện về Lý Sơn, về Hoàng Sa, TS Vũ như thể “lên đồng”. Ông bảo, mặc dù không phải là con dân Lý Sơn, hậu duệ của Đội hùng binh Hoàng Sa, nhưng khi nhắc đến tên gọi này, ông lại thấy tim mình hừng hực lửa. Nhớ lại 20 năm trước, khi lần đầu đặt chân lên đảo, trong thâm tâm ông vẫn chưa hình dung được ở đảo có cái gì và nên bắt đầu từ đâu. Bởi khi ấy, ông là giảng viên dạy văn học phương Tây tại Đại học Quy Nhơn vừa chuyển về Quảng Ngãi công tác, lại không được học hành thật sự bài bản về nghiên cứu văn hóa, nhất là văn hóa cư dân ven biển nên ông thấy còn nhiều mông lung lắm. “Chỉ đến khi gắn bó với Lý Sơn, tôi phát hiện ra ở đây có một bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dù hòn đảo này chỉ rộng chưa đến 10 km2 nhưng lại có một hệ thống di tích dày đặc và một khối lượng di sản phi vật thể phong phú, đa dạng gắn liền với đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải. Những chứng tích này cùng với các tư liệu lịch sử được ghi lại trong gia phả các tộc họ ở Lý Sơn cũng như các câu chuyện lưu truyền trong dân gian, đã hút hồn tôi, làm tôi mất ăn mất ngủ thời gian dài sau đó. Cao điểm là những năm 1995-1996, tôi bắt tay tập trung nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về đề tài này”, TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ và Tiến sĩ Nguyễn Nhã (từ trái sang) cùng hậu duệ họ Phạm bên ngôi mộ chiêu hồn Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn (ảnh nhân vật cung cấp – NVCC).
Một trong số các tài liệu thu hút sự quan tâm đặc biệt với TS Vũ đó là các gia phả các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Từ xưa, các tài liệu cổ này được con cháu nhiều đời truyền giữ cẩn thận trong nhà thờ tộc họ, xem chúng như vật “gia bảo” linh thiêng. Cứ chu kỳ 20 năm một lần, trong các dịp tế lễ trọng đại, họ mới mở chìa khóa hòm kín cất giữ các tờ giấy cổ này một lần, để các bậc cao niên biết chữ Nho xướng đọc lên cho con cháu ghi nhớ công đức tiền nhân. Sau đó, chúng lại được cất kỹ vào hòm kín và thờ tự trang nghiêm để đến dịp tế lễ sau mới mở lại.
TS Nguyễn Đăng Vũ kể, từ những năm 1990, ông đã bị những tài liệu cổ này hút hồn khi ra đảo Lý Sơn nghiên cứu văn hóa ngư dân biển. Về sau, mỗi lần đưa các nhà sử học ra đảo hay lang thang điền dã dài ngày một mình, ông luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu vấn đề này. Ông hiểu đó là cả một “kho tàng” đặc biệt vô giá của Lý Sơn. Những tờ giấy, nét chữ phai màu thời gian không chỉ kể chuyện đảo xưa, mà còn ẩn chứa nhiều nội dung quan trọng khác về quá trình chinh phục biển của dân tộc Việt.
“Tờ lệnh đi Hoàng Sa năm Giáp Ngọ 1834 của triều đình nhà Nguyễn được họ Đặng phát hiện và giải mã ở Lý Sơn cách đây vài năm là minh chứng sinh động nhất về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này. Và đó là kết quả xứng đáng cho những ngày điền dã ở Lý Sơn, được người dân nơi đây tin tưởng, giao cho trách nhiệm nặng nề là công bố tờ lệnh cho bàn dân thiên hạ được biết về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam”, TS Vũ bồi hồi nhớ lại.
Theo đó, ngày 31-3-2009, dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn đã thông tin tới TS Nguyễn Đăng Vũ (lúc đó là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi) về việc gia tộc đang lưu giữ những văn bản chữ Nho mà chưa rõ nội dung, rất có thể là những tài liệu có liên quan đến việc đi Hoàng Sa của tổ tiên. Hôm sau, TS Nguyễn Đăng Vũ đã ra đảo Lý Sơn và tiếp cận với văn bản “bí ẩn” này.
Nhận thấy đây là một văn bản quý giá, góp phần chứng minh và đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép, được TS Nguyễn Đăng Vũ thuyết phục, gia tộc họ Đặng đã bàn bạc thống nhất hiến tặng văn bản này cho Nhà nước. Ngày 9-4-2009, tại thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tộc họ Đặng tổ chức ngày giỗ đặc biệt. Con cháu trong họ từ khắp nơi trở về tề tựu đông đủ tại nhà thờ tổ để chứng kiến việc dâng hiến báu vật của dòng họ mình cho Nhà nước,TS Nguyễn Đăng Vũ đại diện cho Sở VH-TT&DL tiếp nhận văn bản.
Ngày 10-4-2009, tại UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước sự chứng kiến của đại diện gia tộc họ Đặng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã trao cho đại diện Ban Biên giới của Bộ Ngoại giao Việt Nam văn bản gốc của tờ lệnh và văn bản này hiện đang lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Việt Nam chờ ngày phát huy giá trị có một không hai của nó.
Đại diện họ Võ ở Lý Sơn trao tài liệu cổ của gia tộc cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (ảnh: NVCC).
Chủ quyền biển đảo vượt trên hằn thù dòng tộc
Cùng với việc góp công đưa các thông tin chứng minh chủ quyền Hoàng Sa trong các văn tự cổ đến với công chúng trong nước và quốc tế, TS Nguyễn Đăng Vũ còn là nhân tố tích cực nâng tầm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Với đề tài “Văn hóa dân gian cư dân ven biển Quảng Ngãi”, TS Vũ cho rằng dù muốn hay không thì Lễ khao lề cũng gắn liền với lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, đặc biệt nghiên cứu về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, TS Vũ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. “Trước đây, tôi cứ tưởng Lễ khao lề chỉ có ở làng An Vĩnh, Lý Sơn.
Nhưng vào năm 2010, khi đi điền dã tôi lại tìm thấy bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa tại xã Tịnh Long, thuộc H. Sơn Tịnh, do dòng họ Diệp, vốn có nhiều thế hệ làm thầy pháp, truyền đời lưu giữ. Từ đó tôi mới biết, nơi nào có người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thì nơi đó có làm Lễ khao lề, chứ không phải riêng ở Lý Sơn. Nhưng ở những nơi khác trong đất liền, từ lâu người ta đã không thực hành nghi lễ nữa. Ở Lý Sơn, có lẽ là nhờ môi trường biển đảo mà lễ thức này vẫn tồn tại”, TS Vũ nhìn nhận. Có những chi tiết mà theo ông rất đáng lưu tâm, đó là Cai đội Võ Văn Khiết làm Cai đội Hoàng Sa từ năm 1786 (năm Thái Đức thứ 9 đời Tây Sơn), đến con ông sau này là Võ Văn Phú cũng làm Cai đội Hoàng Sa năm 1803 (năm Gia Long thứ 2). Cha thì làm cai đội thời Tây Sơn, còn con làm cai đội thời Gia Long. Trong khi đó, lịch sử ghi rằng, Gia Long và triều Tây Sơn trước kia bao giờ cũng đối đầu. Gia Long lên ngôi là trả thù tàn bạo những hoàng thân quốc thích thời Tây Sơn. “Từ các sự kiện lịch sử ấy, tôi cho rằng, dù có mâu thuẫn, đối đầu trong nội bộ đến mấy, nhưng bao giờ các triều đại phong kiến xưa cũng đặt vấn đề chủ quyền biển đảo lớn hơn và vượt trên hằn thù giữa các dòng tộc”, TS Vũ phân tích…
Với chúng tôi, ra đảo Lý Sơn lần này, được gặp gỡ, trò chuyện cùng những hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa, tận mắt thấy mô hình thuyền câu được phục dựng lại cùng các hiện vật như chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài, dụng cụ sinh hoạt của binh phu và phiên bản tờ lệnh quý liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam còn nguyên vẹn nhất được gia tộc họ Đặng gìn giữ suốt 200 năm qua…, là những bằng chứng khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Sự thật ấy là hiển nhiên, không chối cãi…
Ký sự: Doãn Nguyên Hưng