Lớp lớp cột mốc sống giữ biển – Bài 1: Kiên cường bám biển

LTS: Từ bao đời nay, người dân Lý Sơn vẫn ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản để mưu sinh. Và đời nào cũng có những người con của đảo Lý Sơn gửi lại thân xác giữa trùng khơi hoặc trên những đảo san hô vô danh. Chính họ đã trở thành những cột mốc sống khẳng định và gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đời này qua đời khác, lớp lớp như sóng dồn…

Người Lý Sơn ra Hoàng Sa từ thuở phương tiện đi biển chỉ là thuyền buồm với mái chèo, thô sơ thế nhưng họ luôn kiên cường bám biển. Cho đến hôm nay cũng vậy. Không thế lực nào có thể ngăn cấm họ mưu sinh ở ngư trường truyền thống do cha ông bao đời truyền lại…

Thiên tai, nhân họa

Mấy năm trở lại đây, những chuyến đi biển của ngư dân Lý Sơn ngày càng trở nên khó khăn hơn khi họ liên tục phải đối mặt với thiên tai và nhân họa. Trong hai năm 2014 và 2015, riêng trong Nghiệp đoàn nghề cá An Hải đã có 24 trường hợp bị tàu nước ngoài đâm va gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, chỉ riêng năm 2015 đã có 22 tàu của ngư dân Lý Sơn bị nạn.

tau-ca-ngu-dan-ly-son-bam-bien

Tàu cá ngư dân Lý Sơn luôn ra khơi bám biển

Còn từ đầu năm 2016 đến nay, tàu của hai ông Lê Khởi và Lê Hùng (ngư dân ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Đang khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, gần đảo Trụ Cẩu thì tàu của ông Lê Hùng bị một tàu lao ra ngăn cản tới 5 lần, rồi đâm thẳng vào. Sau đó, những người trên tàu này nhảy qua, dùng dùi cui điện và súng lùa ngư dân về mũi tàu, bắt quỳ xuống và cướp đoạt tài sản. Những gì mang đi được thì họ mang về tàu, những gì không mang đi được thì vứt xuống biển. Thậm chí, họ còn lấy dầu để ngư dân không đủ chạy về hoặc tiếp tục khai thác. Tất cả ngư cụ, hệ thống thông tin liên lạc đều bị cướp đi hết. Bị cướp phá, đánh đập, ông Lê Hùng buộc phải quay tàu về.

Trên đảo Lý Sơn, bất kỳ ai đi biển cũng đối mặt với những hiểm họa tương tự. Ông Lê Khởi đi Hoàng Sa không biết bao nhiêu lần và liên tục phải chống chọi với chuyện bị xua đuổi, đập phá. Ông nhớ lại: Ngày 24-10-2012, bị lấy hết tài sản khi đang khai thác hải sản tại đảo Cây Dừa; ngày 15-8-2014, bị lấy hết tài sản; ngày 15-12-2015, tàu lại bị lấy hết tài sản…

Ông Lê Khởi kể lại chi tiết, ngày 15-8-2014, tàu của ông đang đánh bắt tại đảo Cây Dừa, tàu nước ngoài đưa 2 chiếc xuồng bay ra đuổi, một chiếc 11 người, một chiếc 9 người. Ông cho tàu chạy miết không hạ ga, nhưng vì bị 2 chiếc kẹp hai bên nên thất thế không thoát nổi. Tàu của kẻ tấn công áp sát rồi chúng leo lên đập phá, ông Khởi chảy máu do bị kính vỡ văng trúng. Nhưng ông vẫn kiên cường, chỉ khi những kẻ tấn công nhảy vào cabin đánh thì mới chịu hạ ga xuống. “Khống chế được tàu, chúng điện đàm cho tàu lớn hơn đến lấy tài sản, vứt một số tài sản khác xuống biển hoặc đập phá…”, ông Khởi bức xúc: Chúng đã làm mọi cách để tàu của tôi không thể đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa nữa.

Đau xót trước cảnh bị đập phá, ông Khởi buộc phải cho tàu đi tìm một tàu đang đánh bắt gần mình, liên lạc với các cơ quan chức năng bằng e-com nhờ của bạn để báo cáo tình hình. Trong Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, những trường hợp tương tự như ông Lê Khởi và Lê Hùng còn rất nhiều.

Bị bắt giam, nhưng không để bị ép cung, ép ký

Không những bị tàu lạ xua đuổi, đâm va và đập phá tài sản, mà nhiều ngư dân còn bị bắt, bị giam trên những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 2007, ông Lê Khởi bị những kẻ tấn công bắt về một đảo lớn và bị giam 3 tháng trời vì ông không chịu ký vào biên bản thừa nhận “xâm phạm vùng biển”. Đến khi được thả, ông phải quay về Lý Sơn bằng đường bộ với hai bàn tay trắng.

ngu-dan-tran-hien

Ngư dân Trần Hiền trong lần gặp gỡ và trò chuyện với nguyên Chủ Tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng

Bên xã An Vĩnh cũng nhiều tàu cá bị xua đuổi, đập phá và bắt giữ. Có những ngư dân ở Lý Sơn bị bắt nhiều đến nỗi đối phương nhớ cả mặt, biết cả tên. Điển hình nhất là anh Trần Hiền ở thôn Tây, xã An Vĩnh, chủ tàu mang số hiệu QNg 96034TS. Năm 2012, khi tàu của anh đang khai thác ở gần đảo Phú Lâm thì bị tàu của nước ngoài đuổi bắt lúc 1h chiều. Khi đó, trên tàu của anh Hiền có 11 người. Sau khi nhảy lên tàu, đám người dồn 10 anh em lên tàu của họ rồi đưa đi. Còn 3 kẻ khác ở lại, bắt anh Hiền đánh tàu về một đảo lớn. Từ đó, Thuyền trưởng Trần Hiền không gặp bạn chài của mình. “Lúc đó chỉ lo cho anh em bạn chài”, Trần Hiền nói. Mãi đến khi chúng đưa lên nhà giam thì anh mới gặp lại anh em.

Anh Hiền bị giữ khoảng hơn chục ngày rồi đưa lên hỏi cung. “Ngày qua tháng lại cứ hỏi cung miết, mỗi ngày được ăn ba chén cơm chia làm ba bữa”, anh nghẹn lời, “sau này, Nhà nước mình có can thiệp nên 21 người mới được về”. Lần đó, ngoài 11 người của tàu anh Trần Hiền còn có 10 người của tàu ông Lê Vinh cũng bị giam cùng. Tổng thời gian họ bị giam lần đó là 49 ngày. Sau, anh Trần Hiền phải nghỉ ở nhà một thời gian.

Những ngư dân bị bắt giam như thế cũng giống ông Nguyễn Quốc Chinh, giờ là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải. Ông Chinh nhớ như in lần bị bắt giam năm đó. Sau khi những kẻ tấn công dùng súng khống chế ngư dân, họ dồn ngư dân lên mũi tàu rồi bắt quỳ xuống hai tay ôm sau gáy và không được quay lại. Nếu ai có lỡ quay đầu lại sẽ bị họ dùng báng súng thúc vào người, vào mặt. Rồi họ bắt cả tàu và người. Khi bị giam hay hỏi cung, ông Chinh không lo bằng lúc bị đưa giấy tờ ra bắt ký. Ông nghĩ trong đầu: Tiếng nước ngoài không rõ, nhỡ trong văn bản viết là ngư dân mình giết người, cướp của thì họ có cớ kết tội mình. Hoặc nhỡ trong đó viết Hoàng Sa là của quốc gia nào đó mà mình ký vào đấy thì mai sau con cháu lại nguyền rủa. Khi ông Chinh không ký thì đối phương kéo tàu về nước họ rồi giam giữ ông 2 tháng 22 ngày cùng với 11 người khác. Ông cùng bạn chài chỉ được thả sau khi có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao nước ta. Ông về Lý Sơn bằng đường bộ qua cửa khẩu.

Qua những kinh nghiệm của bản thân và của những người bị bắt trước đây, lớp ngư dân như ông Chinh lại truyền đạt kinh nghiệm cho anh em đi sau. Do đó, ngư dân không ký vào bất kỳ văn bản nào. Đến khi được trả về bằng đường bộ, họ chỉ còn hai bàn tay trắng. Trường hợp được thả về bằng đường thủy trên tàu của chính mình là rất hiếm.

Khó có thể liệt kê hết những vụ tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu lạ xua đuổi, đâm va và đập phá tài sản. Sẽ chẳng bao giờ ngư dân Lý Sơn có thể kể hết được những lần bị đánh đập trên chính tàu của mình, trên chính vùng biển mà cha ông bao đời đã mưu sinh ở đó. Cũng khó có thể hiểu hết được những nỗi khổ mà các ngư dân phải chịu đựng khi bị các kẻ tấn công ép cung, ép ký và giam giữ…

(Còn nữa)

Nhóm Phóng Viên