Phối cảnh 3D dự án ‘Người mẹ thắp lửa’ trên đảo Lý Sơn

Phương án thiết kế “Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng” được Hội đồng thẩm định lựa chọn để xây trong khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, huyện đảo Lý Sơn.

tuong-dai-ls

Phối cảnh 3D khu tưởng niệm nghĩa tử Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Ban tổ chức cuộc thi thiết kế “Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” vừa quyết định chọn phương án VT- 2015, “Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng” để xây dựng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tác phẩm này đã vượt qua hơn 100 bài dự thi, đồ án thiết kế khác để được Ban tổ chức chọn với hơn 90% số phiếu tán thành.

tuong-dai-ls1

Công trình xây dựng khu tưởng niệm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hướng về chủ quyền biển đảo quê hương

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Nguyễn Tấn Vạn đánh giá cao tác phẩm này. Ông cho rằng, đồ án mang hàm ý bất kể ngày hay đêm, dù trời mưa gió, mẹ luôn đứng bên bờ biển ngóng trông, ví như ngọn hải đăng soi sáng dẫn lối các con tìm đường về. Tác phẩm đáp ứng được ba tiêu chí: Ý tưởng độc đáo, thể hiện được tình cảm, nguyện vọng của người dân với Hoàng Sa và công trình không quá trừu tượng, tồn tại được trong không gian huyện đảo Lý Sơn.

tuong-dai-ls2

Tượng đài Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng đứng vững vàng và hiên ngang hướng ra Biển Đông

Tượng đài làm bằng chất liệu thép không gỉ cao khoảng 18 m nhìn ra khơi xa, một tay cầm ngọn đèn bão giơ lên trước ngực, một tay đỡ dưới đèn, chân trụ vững trước gió. “Hoàng Sa thiêng liêng trong mỗi người dân Việt. Ngọn lửa trên tay mẹ là khát vọng mong được gặp lại những đứa con của mình, cũng là khát vọng của cả dân tộc hướng về Hoàng Sa. Ngọn lửa ấy cũng chính là để tưởng niệm thế hệ cha anh đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo”, kiến trúc sư Trần Văn Dũng chia sẻ ý tưởng đồ họa.

tuong-dai-ls3

Con đường lịch sử Hành trình xác lập và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa được mô phỏng tinh tế và hiện thực

Con đường lịch sử “Hành trình xác lập và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa” đi từ khu công viên về phía tượng đài “Người Mẹ thắp lửa”. Con đường này sẽ dài 97 m, rộng 3,6 m, được ốp đá hoa cương đen gồm hình minh họa và thuyết minh bằng chữ về thế hệ cha ông xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

tuong-dai-ls4

Công viên cây xanh hòa quyện giữa thiên nhiên và đất trời

Công viên cây xanh được kết nối ra khu vực đậu xe nằm sát đường bê tông nhựa đi Chùa Hang thông qua một tuyến đường bậc thang rộng 2 m. Có hai bãi đậu xe cho xe du lịch và nhiều chỗ cho xe máy.

tuong-dai-ls5

Đền tưởng niệm Nghĩa Tử Hoàng Sa được thiết kế độc đáo và ấn tượng

Đền tưởng niệm Hoàng Sa hình trụ nằm gần bờ biển dốc đứng, một nửa đền âm vào vách núi. Bên trên Đền tưởng niệm là một sân tròn.

tuong-dai-ls6

Bản đồ Hoàng Sa được thiết kế một cách chân thực tạo sự gần gũi cho nhân dân và khách tham quan về chủ quyền biển đảo quê hương

Bản đồ Hoàng Sa đặt trên nền đá granite đen bóng, mô tả một vùng biển đang u tối và nổi lên trên đó là các đảo được cẩn bằng đá trắng. Xung quanh bản đồ là viền đá xám rộng để khách tham quan có thể ngồi lên, tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi với quần đảo quê hương.

tuong-dai-ls7

Toàn cảnh khu tượng đài “Người mẹ thắp lửa” nhìn từ trên cao rộng 2 ha.

tuong-dai-ls8

Khu tượng đài “Người mẹ thắp lửa” rực sáng giữa biển trời trong đêm.

tuong-dai-ls9

Hẹn gặp lại Hoàng Sa một thông điệp ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc về chủ quyển biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam

Trên bức tường bê tông chặn đất cao ngay khi bước chân ra khỏi cửa đền là dòng chữ lớn được khắc chìm “Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa” như một lời chào lạc quan, lời hẹn thề thể hiện quyết tâm của toàn dân tộc đòi lại chủ quyền Hoàng Sa.

Dự kiến ngày 11/1/2016, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khởi công xây khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Theo Minh Hoàng/zing.vn