Rộng chưa đầy 10km2 nhưng bất cứ ai từng một lần đến với huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi – quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều ngỡ ngàng trước một quần thể danh thắng mê hoặc lòng người.
Trên đảo Lý Sơn có 2 ngôi chùa là chùa Đục và chùa Hang, khách phương xa khi đặt chân đến đảo đã được nghe giới thiệu rằng, đó là một trong số những nơi không thể không đến.
Nếu tính theo đường chim bay, chùa Hang cách đình An Vĩnh – trung tâm của đảo không xa là mấy, nhưng đường đi thì loanh quanh chạy vòng qua eo núi. Qua hết đoạn đường men theo bờ biển với những cánh đồng tỏi đang chờ thu hoạch xen lẫn vào khung cảnh chìm trong những vạt ngô xanh rờn. Đường sá trên đảo tuy hẹp nhưng khá bằng phẳng, mùa này hoa hoàng hậu nở rộ vàng cả một góc tường rào nhà ai đó bên đường. Khách phương xa mê mải với những mảng màu rực rỡ của hoa trái, bị mê hoặc bởi màu xanh căng tràn của núi, của trời, của những những con sóng miệt mài vỗ bờ. Từ trên đỉnh núi, đi bộ vài chục bậc thì xuống tới chùa Hang.
Chùa ngự ở lưng chừng ngọn núi Thới Lới – ngọn núi lửa đã ngủ quên cả ngàn năm trên đảo, nằm sâu trong lòng khối nham thạch khổng lồ hình dáng ở thế đang phun trào. Lòng chùa rộng chưa đầy 500m2, cao 3,2m, tương truyền rằng cách nay chừng 400 năm, khi các bậc tiên hiền ra Lý Sơn lập làng An Hải đã dựng ngôi chùa này. Chùa Hang có tên chữ là “Thiên Khổng Thạch Tự” (chùa do trời sinh ra) gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m. Trước chùa có bức họa Thiện tài đồng tử, cùng bức tượng Quan Thế Âm bồ tát được đặt mặt hướng ra Biển Đông. Đặc biệt bên trong chùa còn có 2 lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Cảnh chùa bao năm qua vẫn luôn u tịch, nếu không phải vào dịp hội hè thì có rất ít khách viếng thăm.
Phía trước chùa Hang, trên một vách đá dựng đứng cao khoảng 20m, có khắc 4 chữ Hán, sơn màu vàng “Thiên Khổng Thạch Tự” như để thông báo cho du khách biết rằng trong động đá này có một ngôi chùa. Ngay phía dưới vách đá có các mạch nước ngầm chảy rỉ rả suốt năm tháng tạo thành một cái “giếng trời”. Rêu phong nhũ đá trông đẹp mắt một cách lạ thường. Hiện nay, ở dưới mặt đất, người ta cho xây dựng một bể chứa nước bằng xi măng, hứng nước mạch ngầm trong lòng núi đá để có nước ngọt phục vụ dân địa phương và du khách.
Một tuyệt tác thiên nhiên hoang sơ kì vĩ chỉ có ở chùa Hang
Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm.Hang rộng chừng 20m, có chiều sâu khoảng 24m, chỗ cao nhất của hang cũng chỉ hơn 3m. Trong không gian hạn chế đó, người xưa đã tận dụng những nhũ đá tự nhiên để sắp xếp chỗ thờ tự. Ngày xưa, ở chính giữa hang đã có đặt bàn thờ Tam thế Phật là Phật A-di-đà, Phật tổ Như Lai, và Phật Di-lặc. Bên trái bàn thờ Tam thế Phật có bàn thờ Tổ sư Đạt-ma với bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng trên đó ghi rõ “
Phụng tự Tây phương Đông Độ lịch đại tổ sư chi linh vị”. Sau này, vào khoảng tháng 4-1993, các vị thủ tự đã đặt thêm một bàn thờ phía bên phải thờ tượng Quan Công có Quan Bình và Châu Thương đứng hầu, mỗi tượng chỉ cao chừng ba tấc. Cũng trong khoảng thời gian đó, bà con nhân dân đảo Lý Sơn vào làm ăn sinh sống tại TP.HCM đã cúng cho chùa 3 pho tượng, được đặt phía trước bàn thờ Tam thế Phật, đó là các tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay cao 0,6m, tượng Bồ-tát Quan Thế Âm cao 0,8m và tượng Bồ-tát Địa Tạng cao 1m.
Ở phía bên phải của hang sắp đặt ba bàn thờ, mỗi bàn thờ cách nhau 1,4m. Gần với thành hang là bàn thờ 12 vị Diêm vương; kế đó là bàn thờ các vị thuộc Trần tộc có bài vị ghi danh ba người, gồm Phụng tự khai sáng Trần tổ công Thành, tự Đạo Châu, hiệu Huyền Huyên linh vị; Phụng tự Trần tổ công Tiềm, tự Ấn Long, hiệu Huyền Kính, cao lão hòa thượng linh vị; Phụng tự Trần tổ công Quận, tự Ấn Ngọc, hiệu Huyền Chơn hòa thượng linh vị. Bàn thờ thứ 3 thờ 7 vị tiền hiền khai phá lập ra làng An Hải với bài vị ghi rõ: “Phụng tự tiền hiền thất tổ tiên sanh tự vị chư thần vị”.
Ở phía bên phải của hang sắp đặt ba bàn thờ, mỗi bàn thờ cách nhau 1,4m. Gần với thành hang là bàn thờ 12 vị Diêm vương; kế đó là bàn thờ các vị thuộc Trần tộc có bài vị ghi danh ba người, gồm Phụng tự khai sáng Trần tổ công Thành, tự Đạo Châu, hiệu Huyền Huyên linh vị; Phụng tự Trần tổ công Tiềm, tự Ấn Long, hiệu Huyền Kính, cao lão hòa thượng linh vị; Phụng tự Trần tổ công Quận, tự Ấn Ngọc, hiệu Huyền Chơn hòa thượng linh vị. Bàn thờ thứ 3 thờ 7 vị tiền hiền khai phá lập ra làng An Hải với bài vị ghi rõ: “Phụng tự tiền hiền thất tổ tiên sanh tự vị chư thần vị”.
Để ra vào chùa Hang, duy nhất chỉ có một cửa ở phía bên phải động, trước cửa có hai trụ biểu hai bên ghi hai câu đối bằng chữ Hán mà vị tộc trưởng Trần tộc hiện thời đọc là “Nhất trần bát đảo bồ đề địa, Vạn thiện đồng quy thiểm khổ môn” rồi giải thích rằng đôi câu đối hàm ý Họ Trần là người đầu tiên lập ra chùa Hang, và Mọi điều tốt đẹp đều quy về nơi cửa Phật.
Ở phía bên trái của hang cũng có sắp đặt ba bàn thờ, mỗi bàn thờ cũng cách nhau 1,4m. Trong cùng là bàn thờ Giám Trai, tiếp đến là bàn thờ Ngũ Lôi, và kế đó là bàn thờ Tiền vãng (thờ những người có đóng góp sức lao động xây dựng, tôn tạo chùa Hang trước đây).
Ngay sau cổng ra vào ở phia bên phải, có bàn thờ bổn đạo thiện nam, tin nữ và ba bàn thờ những người có công xây dựng, tu bổ chùa Hang; trên vách tường xây cũng có hai câu đối chữ Hán, được vị trưởng tộc họ Trần đọc là “Tịnh độ năng nhơn tiếp dẫn chúng sanh an dưỡng quốc – Cư sĩ tấn hỏa bảo hộ hoàn toàn lạc tây phương”. Ở phía bên trái sát mép động đá có ban thờ những vong hồn uổng tử và có dựng một bức tượng Hộ Pháp cao 0,8m do người đảo Lý Sơn ở TP.HCM cúng cho chùa hồi tháng 4-1993.Xung quanh chùa Hang là các vách đá tự nhiên. Do đó, đứng trong chùa Hang, nghe tiếng những hạt nước rơi ti tach từ những nhũ đá, ngửi mùi hương trầm quyện ra từ những ban thờ, người ta có cảm giac đang ở một thế giới huyền ảo, thuần khiết, thoát tục. Cư dân ở đây cho biết, khí hậu trong hang vo cùng dễ chịu, trời nắng thi mát mẻ, trời lạnh thì ấm áp, là nơi ẩn núp của cư dân thời xưa mỗi khi có biến, như được nêu trong Đại Nam nhất thống chí.
Mới đầu giờ sáng mà cái nắng ngoài đảo đã như muốn thiêu đốt mọi thứ, nhưng chỉ cần bước chân vào bên trong chùa, không khí dường như khác hẳn, lòng hang mát lạnh, những giọt nước thẩm thấu qua đá tí tách rơi trên nền chùa. Đứng ngoài sân chùa, phóng tầm mắt ra biển bao la chỉ một màu xanh trong trẻo, nước biển ở đây xanh và trong một cách lạ kỳ. Người dân Lý Sơn thường ra bãi biển trước cửa chùa Hang để nhặt rong câu, không hiểu sao rong câu ở trước cửa chùa Hang ăn ngon hơn bất cứ nơi nào trên đảo, cây cối cũng tươi tốt hơn. Vào những dịp lễ Vu Lan hay Phật Đản, ngày giỗ các vị tiên hiền, ngày tưởng nhớ tri ân đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, các hoạt động tâm linh thường được diễn ra ở nơi này. Ngư dân Lý Sơn tâm niệm, Phật bà Quan âm luôn chở che và phù hộ cho những chuyến “hải lộ bình an”.
Năm 1994 chùa Hang đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Theo Lysonexplorer.com