Trăn trở với Lý Sơn…* Bài 2: Đối mặt nhiều thách thức

(CADN) – Ngoài việc phát triển “nóng”, theo như nhiều người nói là đang rơi vào tình trạng “mất kiểm soát” về du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng thì vấn đề gìn giữ môi trường, cảnh quan tự nhiên để phát triển bền vững cũng là bài toán đặt ra đối với ngành chức năng ở Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung.

tran-tro-ly-son

Thắng cảnh Hang Cò bị quán xá lấn chiếm, có nguy cơ biến mất.

Nguy cơ bị “biến dạng”

Việc xây dựng ồ ạt, chưa chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú trên đảo Lý Sơn từng được đề cập và cảnh báo. “Cách đây hơn 5 năm, tôi đã nói về câu chuyện này rồi, nhưng rất tiếc là nhận thức về bảo tồn và phát huy lâu dài, bền vững đảo Lý Sơn chưa được các cấp ngành, đặc biệt là những người có trách nhiệm đặt ra, quan tâm đúng mức. Thậm chí đến bây giờ, cả đảo Lý Sơn không phải là to lắm, nhưng quy hoạch tổng thể Lý Sơn vẫn chưa được ban hành. Và yếu tố đó sẽ gây tác động hết sức tiêu cực về mặt lâu dài ở Lý Sơn, phá hủy tổng thể đảo Lý Sơn và biến Lý Sơn trở thành điểm du lịch kém hấp dẫn. Nếu với tốc độ bê tông hóa như bây giờ thì cỡ 5 năm nữa, du khách sẽ không mặn mà gì ra với Lý Sơn nữa”, ông Phan Đình Độ nhìn nhận.

Với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, nhiều du khách so sánh Lý Sơn không hề thua kém các điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc như Nami hay Jeju. Tuy nhiên nhiều du khách cảm thấy bị sốc, xót xa trước thái độ đối xử với món quà thiên nhiên ban tặng ở huyện đảo. “Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Lý Sơn, hiện nay nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh bị xâm hại, thậm chí có nguy cơ bị biến mất, nhất là cảnh quan môi trường tự nhiên- yếu tố chính để phát triển du lịch của Lý Sơn”, Tiến sỹ (TS) Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết.

Theo ông Vũ, việc xây dựng đường cơ động xung quanh đảo Lý Sơn đã làm mất đi nhiều thắng cảnh đẹp như bãi Kiều Kiều, Hang Cò; nhiều bãi biển đẹp như hòn Mù Cu đến Hang Câu bị san lấp; cổng Tò Vò có nguy cơ bị gãy đổ bất cứ lúc nào vì đường cơ động và đê chắn sóng làm thay đổi hướng sóng. Thắng cảnh tự nhiên của những bãi biển đẹp ven đảo đã bị mất đi và tầm nhìn cũng bị hạn chế do bờ chắn quá cao. Đoạn bờ kè đảo Bé, tuy xây dựng có cải thiện tầm nhìn nhưng cũng làm mất cảnh quan đoạn hòn Đụn… “Tất cả các việc làm đường, xây kè, kể cả nhiều công trình khác trên đảo Lý Sơn, Sở VHTT&DL chưa được mời thẩm định hoặc tham gia ý kiến cho các dự án này”, TS Vũ tiếc nuối.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc người dân lấy cát trồng hành tỏi, lấy đá san hô, lấy rong biển cũng tăng nguy cơ biển xâm thực. Việc làm hồ chứa nước trên núi Thới Lới góp phần tưới cho cánh đồng hành, tỏi ở An Hải, nhưng làm mất cảnh quan tự nhiên và thảm thực vật đặc trưng của núi lửa biển trên miệng núi, mất di chỉ văn hóa thời tiền sử cách đây 30 vạn năm; đoạn bê tông phía Đông của bờ đập không thân thiện với môi trường (nơi đây còn dấu tích của dòng suối Chình từng chảy xuống dưới cách đây vài chục năm)…

“Đặc biệt hiện nay, việc phát triển các dịch vụ tự phát tại các điểm di tích như Chùa Hang, Hang Câu, núi Giếng Tiền, cổng Tò Vò… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và xâm hại đến di tích. Nhiều nhà hàng, lều quán được xây dựng tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của di tích, thắng cảnh”, TS Vũ tỏ ra lo lắng.

Theo TS Vũ, Lý Sơn là 1 trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia, nhưng người dân vô tư bán san hô ở tại các lều quán gần cổng Tò Vò, đường vào chùa Hang, cầu cảng mà không có ngành chức năng ở địa phương ngăn cấm, xử lý. Thậm chí trên tàu chờ khách, nhiều loại san hô, nhất là san hô đen lớn được chở vào đất liền. Nhiều người cho rằng đó là san hô khai thác ở những nơi khác, nhưng mặc dù có khai thác ở nơi nào thì cũng không được bày bán và phải được nghiêm cấm triệt để việc khai thác, buôn bán này.

“Việc xây dựng ồ ạt các công trình dân sinh, dịch vụ, dân dụng…, buôn bán bất động sản, thiếu định hướng và quy hoạch đã làm Lý Sơn biến dạng, không còn thay đổi theo hướng tích cực, bền vững. Ngay cả các con đường bê tông ngang dọc ở trung tâm huyện cũng quá lớn làm mất quỹ đất trên đảo vốn nhỏ bé này”, TS Vũ khẳng định.

tran-tro-ly-son1

Người dân tự ý dựng lều, kinh doanh buôn bán tại khu danh thắng Hang Câu.

tran-tro-ly-son2

Rất đông du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng điểm di tích Cổng Tò Vò.

Nan giải chuyện môi trường

“Có thể ví Lý Sơn như một con thuyền, sức chứa chỉ khoảng 10 đến 15 ngàn người thôi, nếu vượt qua số đó thì sẽ chìm. Tại sao nó chìm? Thứ nhất, mùa này trên đảo Lý Sơn bắt đầu nước ngầm gần như nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống. Thứ hai, người quá đông, kể cả khách du lịch lẫn người bản địa, đặc biệt hiện nay có xu hướng người Lý Sơn đi làm ăn xa quay về quê lập nghiệp, một số người ở các địa phương khác ra Lý Sơn đầu tư làm ăn… đã phát sinh ra nhiều vấn đề, như nhu cầu về đất ở, sản xuất; đến lúc mất đi, đất dành cho nghĩa trang cũng vì thế mà tăng lên, còn đất ở, sản xuất bị thu hẹp lại”, ông Độ lo lắng.

Hỏi ông về nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở Lý Sơn? Ông bảo nguy cơ gì, nó đã hiện hữu trước mắt. Bởi nước ở Lý Sơn chủ yếu là nước ngầm. Trước đây do dân số ít, hơn nữa ý thức của người dân rất cao trong việc giữ cây, giữ rừng, cộng với việc canh tác lúc đó còn thủ công, chỉ có vùng đất nào có nước thì họ mới trồng hành tỏi; còn bây giờ chỗ nào họ cũng trồng được, bởi họ dùng máy khoan hút nước 24/24 giờ nên chuyện nhiễm mặn là hiển nhiên. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND H. Lý Sơn thì lo lắng đến vấn đề môi trường. Ông bảo, Huyện cũng bức xúc, đau đầu về vấn đề này!

Theo ông Ninh, vừa qua, Cục quản lý chất thải rắn (Bộ Tài nguyên – Môi trường) tiến hành đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên đảo, tuy nhiên nhà máy này rất nhỏ, không đảm bảo xử lý được. “Khi xây dựng, chính quyền và người dân trên đảo mừng lắm, nghĩ rằng rác thải trên đảo sẽ được giải quyết tận gốc, khi dự án triển khai, nhà đầu tư tuyên bố sẽ xử lý hàng chục tấn rác thải/ngày, tuy nhiên khi vào hoạt động, nhà máy này chỉ xử lý vỏn vẹn chưa được 2 tấn rác/ngày, lại hoạt động theo kiểu công nghệ “chân tay” nên dự án chết yểu”, ông Ninh cho biết.

Cũng theo ông Ninh, để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi xã hội hóa việc xử lý rác thải trên đảo. Và Công ty TNHH MTV Thương mại Đa Lộc (TPHCM) là đơn vị được lựa chọn để xử lý rác khi đã đầu tư dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại, với công suất xử lý 28 tấn rác/ngày. “Đây mới chỉ là bước đầu, còn nói là xử lý triệt để rác thì chưa. Lý do là phương tiện thu gom chưa đáp ứng đủ, thứ nữa là ý thức phân loại rác của người dân chưa cao, thậm chí có người còn đem rác ra biển vứt”, ông Ninh trăn trở.

Doãn Hùng
(còn nữa)