Một số bạn có trách nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi cung cấp thông tin, rằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn năm 2015 có nêu mục tiêu phấn đấu những năm tới là sẽ trở thành đô thị của Quảng Ngãi. Mà không chỉ đô thị thường, phải là đô thị biển hiện đại kia. Anh bạn này thở dài: Thế thì còn gì Lý Sơn nữa. Rồi lại thở phát nữa dài hơn: Đảo Cù Lao Chàm của Quảng Nam sát cạnh đấy, có cần đô thị đâu, thậm chí hạn chế tối đa tác động của đô thị, thế mà rồi nó cứ là nổi tiếng, nó cứ là một cù lao hiện đại, thân thiện và… kiếm tiền cũng rất dễ. Cái đảo Lý Sơn bé tẹo, chưa tới 10km2, trên đó lại có 5 ngọn núi to đùng là Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Tai và Hòn Vung. Thế mà giờ đã có khách sạn Mường Thanh 4 sao, 7 tầng che khuất núi Hòn Vung rồi. Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ khác cũng che khuất cả đảo. Nhìn từ cầu cảng vào không thấy núi non trên đảo đâu. Ở Cù Lao Chàm họ chỉ khuyến khích dân làm homestay, không cho xây khách sạn, không xây trụ sở, cơ quan gì to cả, những lối đi trên đảo cũng chỉ đủ để đi xe máy, đi bộ, chứ không phải như Lý Sơn. Cơ quan nào cũng to, đường nào cũng mở hoành tráng ngang dọc, có cả cái bùng binh to đùng to đoàng ở đường đi ra chùa Hang. Vì Cù Lao Chàm bảo tồn tốt thế nên họ mới được UNESCO công nhận là khu bảo tồn sinh quyển thế giới, mà công nhận, bảo tồn nguyên trạng thì khách du lịch càng đông. Mỗi ngày Cù Lao Chàm có 4.000 khách du lịch, mà dân thì chỉ có 3.000 người tuốt tuột cả già lẫn trẻ.
Không ai không biết Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, việc giữ dân, biến Lý Sơn thành nơi du lịch sinh thái với nườm nượp khách trong và ngoài nước đến thăm cũng là một cách bảo vệ chủ quyền, một cách khẳng định lãnh thổ.
Tôi không biết việc huyện Lý Sơn ra nghị quyết phấn đấu đưa “huyện nhà” thành đô thị có liên quan gì đến việc đang bê tông hóa các con đường ven biển đã từng tuyệt đẹp, trở thành những con đường vô hồn và giống nhau đến tội nghiệp, đến trơ lỳ cảm xúc, nhưng những gì đang xảy ra ở Lý Sơn hiện tại khiến cho những ai yêu Lý Sơn, yêu biển, yêu sự thân thiện, hài hòa của thiên nhiên, yêu sự chân chất phóng khoáng của những người dân Lý Sơn phải băn khoăn, thậm chí có người phẫn nộ.
Chúng tôi có trong tay bản kết luận cuộc làm việc của lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi với UBND huyện Lý Sơn, trong đó có mấy ý là “do sự tăng trưởng nóng nên du lịch Lý Sơn còn nhiều hạn chế và tồn tại”, “Đề nghị UBND huyện không cấp phép cho các doanh nghiệp xây dựng các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và các công trình khác… tại đảo Bé; cần giữ nguyên hiện trạng tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch theo hướng tạo điều kiện và hướng dẫn nhân dân địa phương làm du lịch. Kiên quyết bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, các khu bãi tắm, các rặng san hô, khu tàu cổ đắm, cổng đá dưới nước…”.
Tất nhiên không ai không biết Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cần phải có kế hoạch phòng thủ, nhưng việc giữ dân ở đấy, biến đấy thành nơi du lịch sinh thái với nườm nượp khách trong và ngoài nước đến thăm cũng là một cách bảo vệ chủ quyền, một cách khẳng định lãnh thổ. Lý Sơn thành một đô thị biển hiện đại hay giữ nó nguyên sơ dân dã mà ấm áp là những lựa chọn nghiêm túc cần phải đặt ra một cách thấu tình đạt lý chứ không chỉ là những phút ngẫu hứng. Mà trên thế giới hiện nay, Việt Nam cũng vậy, chống lại việc phá vỡ cảnh quan tự nhiên, gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng, dùng nó phục vụ con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất… là thiên hướng được lựa chọn.
Tôi từng sang Đài Loan, ai cũng biết, đây là cái gai trước mắt Trung Quốc bởi mối quan hệ tế nhị suốt mấy chục năm nay. Ngày đẹp trời đứng ở Đài Loan có thể thấy Trung Hoa đại lục thấp thoáng, nhưng quả là suốt mấy ngày, tôi không hề thấy một “doanh trại quân đội” nào, không hề thấy một chiến sĩ nào chứ đừng nói là súng ống, tàu bay, xe tăng… Cảnh sát cũng hầu như không thấy, chỉ thấy cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Và tất nhiên, tôi biết, họ hoàn toàn không lơ đãng trước việc bảo vệ Tổ quốc họ. Thậm chí tôi nghĩ họ luôn phải thường trực chiến đấu, nhưng cái cách phòng thủ, cách bài binh bố trận của họ rõ ràng có vẻ là khác chúng ta. Họ vẫn bảo vệ được lãnh thổ và vẫn phát triển đất nước đúng cách họ đã và đang làm, biến hòn đảo này thành một thiên đường tươi đẹp, mà giờ, hàng vạn người Việt Nam phải sang du lịch, học tập, nghiên cứu và cả làm thuê nữa…
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, với trách nhiệm của mình, đã từng khẩn cấp kiến nghị như sau:
1. Các công trình đường cơ động, phòng thủ trên đảo Lý Sơn cần được xây dựng đầu tư không phá vỡ cảnh quan môi trường (như đang xây dựng hiện nay trên đảo Lý Sơn, nhiều cấp nhiều ngành và khách du lịch đã từng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu V về vấn đề này. Khi xây dựng các công trình như đường cơ động chẳng hạn, cần phải lấy ý kiến các sở ngành và nhân dân địa phương để tránh tình trạng biến Lý Sơn thành lô-cốt. Cần xem xét: Khách du lịch đến với nơi nào thì nơi đó chủ quyền quốc gia được khẳng định. Đề nghị cần có công văn đến các cơ quan quốc phòng các cấp về vấn đề này.
2. Vì thế, không nên tiếp tục làm đường quanh đảo Lớn cũng như đảo Bé vì phá vỡ cảnh quan, nhất là ở những nơi có cảnh quan môi trường đặc trưng của sự kiến tạo nham thạch, những nơi có thể quy hoạch làm bãi tắm, những nơi có các di tích lịch sử văn hóa.
3. Cần hạ độ cao bờ chắn sóng dọc các con đường đã xây dựng; không để dân lấn đất dọc đường quanh đảo, nên để bố trí trồng cây xanh, lối đi bộ (hiện nay nhiều hộ dân lấn chiếm ra bên ngoài mà không thấy chính quyền địa phương can thiệp).
4. Tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan miệng núi lửa Giếng Tiền. Hiện nay ngành quân sự không cho khách du lịch lên tham quan di tích, thắng cảnh này, mà đây là thắng cảnh đặc trưng, khắp nơi trên vùng Đông Nam Á không nơi nào có. Không cho trồng cây trong lòng núi Giếng Tiền, lẫn núi Thới Lới (cần phải giữ lại thảm thực vật đặc trưng của thảm thực vật núi lửa biển, như Jeju – Hàn Quốc). Đầu tư hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đường lên núi Giếng Tiền lẫn Thới Lới, các trạm dừng chân, các thanh chắn an toàn cho du khách… Tuyệt đối không cho du khách lên núi Thới Lới bằng các loại phương tiện vì tránh rủi ro, đồng thời cũng là cơ hội kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Thực ra, không cần phải viết nhiều, lý giải nhiều, chỉ cần đặt ra một câu hỏi, nhỏ thôi, rằng là, nếu Lý Sơn hiện đại, sang trọng như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu hoặc Ha Oai, Barcelona, Cape towan, Đài Loan… thì người ta có cần ra Lý Sơn nữa hay không?
Đến Lý Sơn, ấn tượng nhất đối với tôi là những đôi mắt phụ nữ. Mắt con gái Lý Sơn có một nét rất giống nhau, ấy là đều rất buồn. Và chính vì thế mà nó rất đẹp. Dò hỏi lý do và phỏng đoán tại sao mắt buồn thế thì chỉ có thể là thế này: gần như trăm phần trăm đàn ông Lý Sơn đều đi biển. Và đã ra biển tít mù khơi thì cái sống với cái chết rất cận kề. Có những người mất tích cả chục năm nhưng chưa được coi là chết, bởi biết đâu họ dạt vào một hòn đảo nào đấy, thậm chí là hoang đảo, đang lần mò tìm đường trở về… vậy nên cứ phải chờ đợi thôi. Và chờ đợi trong thảng thốt, trong âu lo, trong nơm nớp những dự cảm chẳng lành, chỉ đến khi nào chồng trở về bằng xương bằng thịt mới tin là chồng còn. Quấn quýt với nhau vài hôm, chồng lại dong buồm ra khơi… những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn đều thăm thẳm nỗi buồn xa chồng vô vọng ấy. Cũng xa chồng, nhưng với chồng ngư phủ, sự vô vọng của cách xa nó kinh hoàng lắm. Ai chả biết cái câu “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”.
Ngày xưa mỗi binh phu trong hải đội Hoàng Sa ra đảo thường được mang theo một cái chiếu, ba sợi mây và một cái thẻ tre ghi tên tuổi quê quán, đấy chính là đồ để hải táng khi bị chết trên biển – mà số bị chết nhiều lắm. Bó lại rồi thả xuống biển, may mắn thì nó trôi vào đâu đó trong đất liền được người đất liền chôn cất, còn không thì làm mồi cho cá. Trên mỗi chuyến tàu gỗ ấy có thêm mấy lu nước ngọt, ít gạo mắm, còn thức ăn thì có biển cung cấp, thế mà mỗi năm một lần các hải đội Hoàng Sa vâng mệnh vua đều ra đảo để tuần tra và chiến binh ấy chủ yếu là dân đảo Lý Sơn này. Ngay bây giờ, những người đàn bà thành phố kiều diễm và tự tin, đầy đủ phương tiện hiện đại, nhưng nhiều lúc cũng còn hoang mang không biết chồng mình, con trai mình ra khỏi nhà là đi đâu, làm gì, chỉ đến khi các gã say lặc lè về đến nhà khai gì nghe nấy, nói gì đành tin nấy, thì những người đàn bà Lý Sơn, đời này sang đời khác, trăm năm này sang trăm năm khác, khi chồng ra khơi là chỉ còn biết ngóng ra biển và chờ. Sự chờ đợi vẹt cát, khô nước mắt, mòn chân trời kia đã tích tụ vào những đôi mắt mà tôi đang kể đây. Mỗi chuyến ra biển vài ba tháng, mà sóng mà gió, mà bất trắc mà hiểm nguy, chiếc thuyền như những lá tre dập dềnh trên sóng, mạng người yếu thua cả con chuồn con trích, con cua con ghẹ, con hến con ngao. Ngờm ngợp bao la biển, đêm trên biển đặc quánh như xắn ra được, mà còn bão còn giông, còn sóng còn gió, bây giờ thì còn cả “tàu lạ, nước lạ”… Tôi hỏi chục người thì cả chục người đều bảo đã ra biển là phó mặc cho trời, ổng cho thì sống, còn không thì chết. Đấy là những người đàn ông, họ ra biển và chủ động, kể cả cái quy ước thủy táng, quy ước bó nẹp tre, quy ước làm mộ chiêu hồn mà mọi người bây giờ hay gọi là mộ gió. Còn đàn bà, họ có gì, chỉ là sự chờ đợi, mà buổi chiều ở biển buồn lắm, mây nước cứ rực lên rồi xám xịt, mây đùn như thác phía mênh mông, từng đụn từng đụn. Còn đêm thì chỉ là mình đối diện với mình, mình thắc thỏm với mình, hoang mang với mình, thon thót thon thót với bao nhiêu ám ảnh tưởng tượng… Cứ dõi mắt như thế, độc thoại như thế, ngày này tháng khác, đời này đời khác, mẹ truyền sang con, những đôi mắt trở thành thẳm sâu thắc thỏm như chính lòng họ, nước mắt trong nước mắt, cô đơn trong cô đơn. Và vì thế nó đẹp, ẩn chứa trong ấy sự bao dung, dịu dàng, nhẫn nại và cả chở che tha thứ của những người phụ nữ đặc biệt ở hòn đảo đặc biệt này…
Tôi cứ sợ ngày nào đó, sẽ chẳng còn gì dấu tích của Lý Sơn, kể cả những đôi mắt rất đẹp kia…
Bài và ảnh: VĂN CÔNG HÙNG – suckhoedoisong.vn