Lễ đua thuyền truyền thống Đảo Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng, ở Nam Trung Bộ nói chung, nếu xét ở cả các bình diện: quy mô tổ chức, thời gian tổ chức, tính liên tục (hàng năm, không bị đứt gãy), và thành phần tham gia (có hàng vạn lượt người tham gia trong suốt cả 5 ngày). Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí, mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai khẩn và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.

Lý Sơn có tất cả 8 thuyền đua (thuyền dài khoảng 8m, mang tên 4 con vật trong tứ linh (Long, Ly/Lân, Quy, Phụng), được trang trí, chạm trổ hết sức công phu. Mỗi thuyền đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo. Ở An Hải, tất cả thuyền đua đều thuộc của xóm, như xóm Đông có thuyền Rồng, xóm Tây có thuyền Phụng, xóm Trung Yên có thuyền Quy, xóm Trung Hòa có thuyền Lân (còn gọi là Liên). Ở An Vĩnh, tất cả các thuyền đua đều thuộc các lân, như lân An Hòa có thuyền Rồng, lân Tân Thành có thuyền Phụng, lân Vĩnh Lợi có thuyền Quy, lân Vĩnh Hòa có thuyền Lân. Mỗi thuyền đua đều được cất giữ tại các dinh miếu của xóm, của lân, chỉ đến ngày tổ chức hội đua thuyền mới làm lễ tại dinh, miếu để đưa thuyền hạ thủy. Trước khi tham dự hội đua thuyền, các tộc họ trong lân, xóm đều đến tế cáo thần linh và các bậc tiền hiền tại các dinh, miếu và đình làng. Tất cả ban tế tự, ban nhạc lễ đều ăn mặc theo lễ phục truyền thống.

dua-thuyen-ls

Đua thuyền tứ linh tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn có 2 cấp độ: Hội đua thuyền của làng, và hội đua thuyền của huyện (2 làng). Hội đua thuyền của làng cho 4 ghe đua của làng trong 4 ngày. Mỗi ngày thuyền đua được đổi vị trí theo kiểu tiệm tiến (ngày thứ 1: Rồng – Phụng – Lân – Quy; ngày thứ 2: Quy – Rồng – Phụng – Lân; ngày thứ 3: Lân – Quy – Rồng – Phụng; ngày thứ 4: Phụng – Lân – Quy – Rồng). Sau 4 ngày đua tính điểm tổng cộng để phân biệt giải. Đường đua gồm 4 vòng 8 dạo (khoảng 2.000m).

Người trên đảo Lý Sơn ai cũng thuộc lòng câu ca:

“Mùng Bốn có hội đua ghe
Cho đến mùng Bảy bắt phe dồi bòng.”

Câu ca này cho biết, hội đua thuyền ở 2 làng chấm dứt vào ngày mùng 7 tháng Giêng (khoảng chừng 14 giờ chiều), và sau khi chấm dứt đua thuyền là tiếp đến hội dồi bòng.

Hội dồi bòng được tổ chức tại đình làng, mà theo các nhà nghiên cứu vốn là nhằm để cầu mặt trời (biểu tượng là trái bòng = cầu nắng), đề cao sức mạnh. Các tay đua sẽ tập trung tại làng để tham gia hội này. Sau khi làm lễ trong đình, cả làng sẽ ném quả bòng ra sân đình. Đội nào ném được trái bòng vào giỏ là đội ấy thắng cuộc, và đội ấy mang trái bòng ấy về tế tại dinh miếu của xóm, của lân. Người Lý Sơn tin rằng, làng xóm nào giành được quả bòng thì năm ấy cả làng, cả xóm sẽ gặp những điều tốt lành. Đây là một trò diễn hết sức sinh động, hào hứng, có sự cổ vũ của hàng ngàn người trong tiếng trống thúc giục. Rất tiếc, hội dồi bòng hiện nay không còn được tổ chức thường xuyên như trước năm 1945 nữa.

dua-thuyen-ls3

Đua thuyền 8 chiếc vào mùng 8 thánh giêng hàng năm

Sáng ngày mùng 8 tháng Giêng, 8 thuyền đua của 2 làng sẽ tập trung trước vùng ven biển giữa 2 làng để tham gia hội đua thuyền toàn huyện. Trước khi tham gia hội đua thuyền toàn huyện (thực ra cũng chỉ có 2 làng), các tay đua và ban tế tự cũng tập trung tại dinh miếu, đình làng để cúng tế. Tham gia tổ chức hội đua thuyền toàn huyện, ngoài các tộc họ, các lân, xóm, còn có chính quyền. Trưởng ban tổ chức cuộc đua thuyền toàn huyện thường là ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Đây là giải đua thuyền chính thức được tổ chức sau ngày Lý Sơn được thiết lập thành đơn vị hành chính cấp huyện (1.1.1993), và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Hội đua thuyền của huyện chỉ tổ chức trong 1 ngày, bắt đầu khoảng 12 giờ trưa và kết thúc khoảng 15 giờ chiều. Vị trí các thuyền đua cũng sẽ thay đổi kiểu tiệm tiến, và cuối 8 vòng, 16 dạo sẽ cộng điểm chung để chọn ra các giải.

dua-thuyen-ls4

Đua thuyền tứ linh tại xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn

Hội đua thuyền ở huyện đảo Lý Sơn không chỉ là một trò diễn để vui chơi, giải trí, biểu dương sức mạnh mà còn mang nặng yếu tố tín ngưỡng hơn các hội đua thuyền ở nhiều nơi khác trên địa bàn Quảng Ngãi.

PV