“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một lễ hội đặc biệt cả về nội dung và hình thức. Bởi đây vừa là thông điệp bài ca giữ đảo, là dịp để tri ân những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là cơ sở để chúng ta khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…
Khúc ca bi tráng
Cứ vào ngày 16 tháng 03 âm lịch hằng năm ở Đảo Lý Sơn hàng nghìn người lại có mặt tại Di Tích Âm Linh Tự tại Xã An Vĩnh, Huyện Lý Sơn nơi diễn ra Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa. Có thể nói, hầu như năm nào người dân huyện đảo tiền tiêu cũng có bầu không khí náo nức, rộn ràng vào những ngày này. Khắp các ngõ xóm, đường thôn, cờ hoa rợp trời.
Tuy còn tất bật với việc đôn đốc, chỉ đạo cháu con chuẩn bị cho Lễ tế chính, nhưng cụ Nguyễn Cảo (84 tuổi) ở xã An Vĩnh vẫn dành thời gian trao đổi với chúng tôi một số nét về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: “Từ hàng trăm năm trước, người dân huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ hội này. Gọi là “thế lính” cũng đúng mà “tế lính” cũng chẳng sai. Nếu là để chia tay những người đi lính thì đó là lễ thức khao lề thế lính, còn nếu là để tưởng niệm người đi lính hy sinh thân mình trên dặm dài muôn trùng sóng gió, thì đó là lễ thức Khao lề thế lính. Những cuộc ra đi của các trai tráng trong làng thuở ấy là những cuộc “một đi không trở lại”, vì ra đảo bằng những phương tiện hết sức thô sơ như ghe bầu thì hiếm hoi lắm mới có thể trở về bình yên. Vì thế, trước giờ vượt sóng ra khơi, dân làng mới tổ chức Lễ khao lề. Thông thường là cho cả hai, tế người còn sống và tế người đã chết. Khao lề chỉ là lễ khao định kỳ hằng năm, nhưng thế lính lại là nghi lễ nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi họ biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ luôn đối mặt với cái chết do tai ương từ lòng biển và giặc giã mang đến. Sau lễ nghi thức ở nhà thờ tộc họ, người dân Lý Sơn sẽ đặt các hình nhân và linh vị, cùng những vật dụng tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa thường mang theo, như lương thực, thực phẩm, ngư cụ cùng với con thuyền nhỏ để ra khơi. Lời cầu nguyện sóng yên, biển lặng, mưa thuận gió hòa, không gặp rủi ro sẽ được gửi gắm xuống thuyền lễ. Giữa muôn trùng bão tố, người ra đi cảm thấy yên lòng vì mình đã có hình nhân thế mạng. Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như đã có “một lần chết” và “đội hùng binh” ấy có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa, dẫu vẫn biết rằng mình sẽ phải trải qua muôn ngàn bất trắc, hiểm nguy giữa biển khơi…”.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Lễ Khao lề thế lính diễn ra trong không khí trang nghiêm trên nền nhạc bát âm và ngũ âm, xen lẫn tiếng mõ thị uy của thầy phù thủy với áo thụng, mũ tam sơn. Bên cạnh hình nhân và linh vị là người lính Hoàng Sa – người lính ấy luôn đứng hầu thần suốt buổi tế bằng chính niềm tin là lời cầu nguyện của chính mình, của tộc họ thấu suốt đấng linh thiêng. Giữa khói hương trầm ngào ngạt, ông Trần Ngọc Quyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn chia sẻ: Sau nhiều thế kỷ, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nhưng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vẫn được các gia đình, dòng tộc ở Lý Sơn tổ chức hằng năm và trở thành một ngày lễ dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng tri ân của người dân đất đảo đối với những bậc nghĩa liệt đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc. Trong những ngày Lễ này, các bậc cao niên lại có dịp kể cho con cháu nhiều câu chuyện về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, về những chuyến hải trình đầy gian khổ nhưng cũng rất đáng tự hào, chuyện về gương sáng vị quốc vong thân của các vị Đội trưởng, Chánh suất đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, cùng biết bao nhiêu chỉ huy, binh lính, đà công, phu phen, tạp dịch đã bỏ mình trên biển trong các chuyến hải hành, viễn thám Hoàng Sa, Đông Hải…
Trong niềm vui mừng phấn chấn, cụ Võ Hiển Đạt (82 tuổi), hậu duệ của Cai đội Võ Văn Khiết vuốt chòm râu bạc, nói: “Những năm trước, bà con tự đứng ra tổ chức Lễ hội Khao lề. Năm nay bà con phấn khởi vì vụ mùa bội thu, lại được đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa đình làng An Vĩnh và Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Thế nên lễ hội lần này đông vui hơn, linh đình hơn. Đây là dịp chúng tôi bày tỏ tấm lòng thành kính với các bậc tổ tiên đã quên mình để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa lịch sử và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã xả thân vì quê hương, đất nước. Từ cơ sở đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc tiếp nối cha ông giữ vững chủ quyền biển, đảo thân yêu và là cơ sở, bằng chứng hùng hồn để tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa!”.
Có một điều luôn nhắc nhở mỗi người dân đất Việt là từ hơn 300 năm trước, khi ông cha ta đặt dấu chân mở mang bờ cõi về vùng đất phương Nam đầy nắng và gió này, thì cũng là lúc Hoàng Sa đã trở thành máu thịt của chúng ta rồi. Hằng năm, cứ sau mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, khi trời yên biển lặng, “đội hùng binh” gồm những thanh niên ưu tú nhất của đảo Lý Sơn lại lên đường trực chỉ Hoàng Sa. Dấu tích còn lại qua những chuyến ra đi giữ nước trong suốt mấy trăm năm trước không chỉ là những tấm bia đá cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, mà người đời sau có thể gặp một Hoàng Sa hiện hữu ngay trên đảo Lý Sơn. Và không một nơi nào lại lưu giữ những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa một cách thuyết phục như ở đảo Lý Sơn. Bằng chứng hùng hồn ấy được hoá thân vào hai hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là Âm linh tự – nơi tổ chức các buổi lễ tế và tiễn đưa con em vượt biển đến Hoàng Sa; đó là những ngôi mộ gió-nơi chôn cất hình nhân thế mạng những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa, đó là “Lễ Khao lề” mang đậm dấu ấn tâm linh.
Có thể nói, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ đơn thuần là để tri ân những người con đất Việt đã từng chiến đấu và hy sinh bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc ta suốt mấy trăm năm trước, mà còn là những bằng chứng hùng hồn để chúng ta khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Những khúc tráng ca bi hùng về đội hùng binh giữ đảo, những tư liệu quý giá ấy như một lời thề nhắn gửi với thế hệ mai sau về bài ca dựng nước và giữ nước của cha ông, những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người Lý Sơn, người Quảng Ngãi, người Việt Nam, gìn giữ cho muôn đời sau một dòng bằng máu thắm: Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc!
PV