Cảnh báo ô nhiễm môi trường biển Lý Sơn

(CAND) – Là huyện đảo nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, Lý Sơn đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội bằng thế mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác xử lý môi trường chưa được chú trọng, khiến huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành một “túi rác” ngay giữa vùng biển. Nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, bờ biển đang tràn ngập rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan vùng biển đảo hoang sơ xinh đẹp…

Nhiều du khách ra Lý Sơn đều nói, khi được giới thiệu đây là một hòn đảo tuyệt vời với vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ cần được khám phá và trải nghiệm, thế nhưng, những gì đã thấy khác xa hình ảnh được giới thiệu, quảng bá… Đó là cảnh tượng nhếch nhác diễn ra nhiều nơi, rác thải bủa vây các tuyến đường, khu dân cư và dọc tuyến kè, đê bao dọc bờ biển. Nhiều khu vực rác thải hỗn tạp chất đống đang phân hủy, bốc mùi hôi thối khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Tập trung nhất là khu vực bờ kè, đường bao bờ biển la liệt các loại rác thải. Nhiều người dân vô tư xả rác, vứt rác thải sinh hoạt ngay trên các tuyến đường, khu vực gần chợ, cầu cảng, dưới mép bờ biển… mà không thấy áy náy, “bất bình thường” chút nào…

rac-ls

Do một số người dân và du khách thiếu ý thức nên lượng rác thải ra biển ngày càng tập kết nhiều lên

Dọc tuyến đường ven đường kè biển từ cầu cảng chính thuộc xã An Vĩnh, lên đến trụ sở UBND xã An Hải với đoạn đường khoảng 10km, nhưng có đến hàng chục địa điểm tập kết rác hai bên đường, mùi hôi thối bao trùm cả khu vực. Những hộ gia đình sống gần khu vực tập kết rác cho biết, hàng ngày nhiều người dân sống gần đây thường hay chở rác thải đến vô tư vứt ngổn ngang. Thêm vào đó, nhiều hàng quán mọc lên ngày một nhiều, xả ra lượng rác cũng không nhỏ, ngày nắng thì bốc mùi hôi thối, khi mưa rác trôi xuống các mương, cống rồi tràn xuống biển. Ở Lý Sơn, các con đường bao chạy dọc bờ kè biển là trục đường chính trên đảo, mọi hoạt động, đi lại của người dân cũng như khách du lịch đều tập trung trên con đường này nhưng rác thải tràn ngập, ùn ứ dưới các mương thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan của vùng đảo nổi tiếng hoang sơ, thanh bình. Nhiều du khách đặt câu hỏi, phải chăng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của chính quyền và ngành chức năng chưa cao, chưa sâu, chưa triệt để, nên ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường cũng rất hạn chế…?

rac-ls1

Nhiều người dân vẫn còn thói quen đổ rác ra biển cho nhanh

CẦN CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ ĐẾN LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG

Qua tìm hiểu thực tế, được biết, tại nhiều khu vực dân cư trên đảo Lý Sơn hiện chưa có điểm tập kết rác thải hay thu gom rác. Vì vậy, không chỉ có rác thải sinh hoạt của người dân trên đảo thải ra, mà còn một lượng rác thải lớn từ khách du lịch khi đến với hòn đảo này. Bà Võ Thị Thúy – cán bộ chuyên trách về du lịch, Phòng VH-TT huyện đảo Lý Sơn cho biết, những năm qua, lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng đáng kể. Nếu như năm 2007, chỉ có 2.071 tổng lượt du khách, thì đến năm 2014 tăng lên 36.500 lượt, năm 2015 đã lên tới 45.000 lượt, theo tính toán, năm 2016, sẽ có hơn 80.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến Lý Sơn. Với lượng rác thải “khổng lồ” như hiện nay nhưng chỉ có một đơn vị doanh nghiệp tư nhân đảm nhận việc xử lý thu gom rác thải và mới xây dựng được một cơ sở xử lý rác ở bờ phía Đông huyện đảo. Việc quy hoạch khu tập kết rác, trung chuyển, vận chuyển chưa được quan tâm đầu tư triển khai đồng bộ, nên việc thu gom rác thải vẫn chậm trễ, không triệt để. Trước thực trạng này, UBND huyện đang nghiên cứu cùng với đơn vị nhận thu gom, xử lý rác thải tính toán xây dựng và quy hoạch đồng bộ về quy trình, điểm tập kết, xử lý rác thải. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi sinh môi trường cho người dân, du khách, giữ gìn môi trường biển đảo trong sạch, thân thiện.

khach-ls

Lượng khách du lịch ghé đảo Lý Sơn mỗi năm ngày càng tăng cao

Bà Võ Thị Thúy cho biết thêm, tại Nghị quyết HĐND năm 2016, huyện đảo Lý Sơn đã xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch, Lý Sơn không chỉ cần thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh… mà còn phải chú trọng đến công tác bảo vệ, gìn giữ môi trường biển đảo, tuyên truyền cách ứng xử, nếp sống văn hóa, văn minh, trong giao tiếp, sinh hoạt… Chúng tôi cho rằng, chính quyền và các ban ngành huyện đảo Lý Sơn cần nhanh chóng triển khai, đưa các nội dung nêu trên vào thực tế cuộc sống. Có như vậy mới khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, thúc đẩy kinh tế, văn hóa- xã hội Lý Sơn phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Hồng Thanh