Mới đây, một thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khiến nhiều nhà đầu tư chú ý.
Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, với diện tích xấp xỉ 10km2 và hơn 2 vạn dân, Lý Sơn ngày càng tỏ ra là một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là một số lý do khiến các nhà đầu tư để mắt nhiều hơn đến huyện đảo này trong thời gian tới.
Địa phương kêu gọi đầu tư mạnh vào 16 dự án
Mới đây, trong thông báo mới nhất từ Quảng Ngãi, tỉnh này cho biết đã lập danh mục 16 dự án ưu tiên đầu tư cho huyện đảo Lý Sơn.
Các dự án ưu tiên đầu tư vào Lý Sơn trong thời gian tới gồm có: Siêu thị, Khu du lịch nghỉ dưỡng hang Câu, Khu du lịch biển phía nam xã An Hải, các công trình phục vụ khách tham quan, Khu du lịch tổng hợp biển phía bắc và phía nam xã An Vĩnh, Khu du lịch bãi biển Mù Cu; Khu du lịch và dịch vụ cao cấp tại đảo Bé; Khu đô thị và dịch vụ cồn An Vĩnh.
Về lĩnh vực thủy sản và nông nghiệp, Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến thủy sản; nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; nhà máy chế biến hành tỏi…
Với từng dự án, nhà đầu tư có thể lựa chọn bằng nhiều hình thức đầu tư: Trực tiếp, BOT, BT, công tư.
Các công trình dân sinh điện, đường, cảng được đầu tư quy mô
Thực tế, trong vòng vài năm trở lại đây, huyện đảo Lý Sơn được quan tâm đầu tư mạnh mẽ.
Những công trình dân sinh điện, đường, cảng được đầu tư với số vốn lớn từ nhiều nguồn. Đó là điện cáp ngầm (hơn 650 tỷ đồng); đường cơ động Đông Nam đảo (hơn 650 tỷ đồng), cảng cá và vũng neo đậu tàu thuyền (tổng vốn 2 công trình này hơn 500 tỷ đồng)…
Năm 2015, Lý Sơn còn được đầu tư 3 dự án lớn (vốn Trung ương khoảng 200 tỷ đồng) gồm đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã An Hải; đường cồn An Vĩnh đi Rada Tầm xa, hệ thống nước sạch trung tâm huyện.
Cuối tháng 3/2016, Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt đầu tư dự án cảng Bến Đình ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, diện tích gần 8 ha với các hạng mục bến cầu tàu cho phép neo đậu tàu có trọng tải lên đến 2.000 tấn.
Bến cập tàu dài 240m, kè bảo vệ dài hơn 500 m, hệ thống hạ tầng hiện đại gồm nhà điều hành, nhà ga hành khách, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy… Cảng biển này sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân và khách du lịch. Tổng vốn đầu tư cảng biển này khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020.
Chuỗi khách sạn tư nhân Mường Thanh cũng đã tìm đến huyện đảo này với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng cho một dự án khách sạn 4 sao và đã hoàn thành đưa vào khai thác vào dịp lễ 30/4-01/5 vừa rồi.
Đảo du lịch – Vương quốc tỏi
Từ năm 2007, Quảng Ngãi chính thức khai trương tuyến du lịch huyện đảo Lý Sơn. Nơi đây đã trở thành địa điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, với diện tích xấp xỉ 10km2 và hơn 2 vạn dân, nhưng Lý Sơn đón đến 100.000 lượt du khách đến đây, trong tổng số 650.000 lượt khách tham quan Quảng Ngãi năm 2015.
Du khách trong và ngoài nước biết đến Lý Sơn với tên gọi“Vương quốc tỏi”. Nơi đây sở hữu đặc sản tỏi danh tiếng, có hương vị, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn tỏi những vùng khác.
Ngoài tỏi, còn có hành và hải sản Lý Sơn cũng rất được du khách ưa chuộng.
Công viên địa chất toàn cầu
Mới đây, Lý Sơn còn được đánh giá có thể trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Cụ thể, những ngày đầu tháng 4 vừa qua, một đoàn chuyên gia, nhà khoa học gồm năm chuyên gia nước ngoài, cũng là thành viên của Hội đồng di sản thế giới thuộc UNESCO, cùng với 13 chuyên gia trong nước về văn hóa, địa chất đã có cuộc khảo sát ba ngày đêm tại đảo Lý Sơn và Bình Châu (Quảng Ngãi).
Sau khảo sát, các chuyên gia đều cho rằng vùng địa chất tại các địa phương này rất có giá trị, cần phải chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, Lý Sơn, Bình Châu và các cùng phụ cận có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Tuy vậy, điều kiện địa chất chỉ là điều kiện cần, bên cạnh đó còn phải xét đến nhiều điều kiện khác như công tác bảo tồn, giáo dục cộng đồng, phát triển du lịch để các vùng này được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Theo các chuyên gia, Quảng Ngãi đang chỉ ở bước khởi đầu trong tiến trình hình thành nên công viên địa chất toàn cầu, nhưng đã có sức ảnh hưởng khá lớn đến việc phát triển du lịch tại địa phương. Ngay từ bây giờ, địa phương cần quản lý môi trường sinh thái một cách hiệu quả, để làm bước khởi đầu để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thực sự trong tương lai.
Đảo tiền tiêu – đô thị biển
Lý Sơn còn nằm trong quy hoạch mở rộng hơn 45.300 ha của khu kinh tế Dung Quất và được xác định là một trong 6đảo tiền tiêu cả nước.
Tháng 2/2016, huyện đảo này vừa chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Đây chính là tiền đề để Lý Sơn thu hút mạnh mẽ hơn các dự án đầu tư trong tương lai với định hướng trở thành một đô thị biển.
Theo Trí Thức Trẻ