Chủ quyền và câu chuyện ngư dân làm giàu từ biển cả

(PV) – Bảo vệ chủ quyền trên biển gắn với phát triển kinh tế biển là hướng phát triển mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn.

tau-danh-ca-ly-son

Ngư dân Lý Sơn luôn vươn khơi bám biển dù phải gặp khó khăn nguy hiểm

Từ bao đời nay, ngư dân Lý Sơn vẫn gắn bó với hai ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa, vậy nên trước sự ngăn cản, đe dọa, đập phá tàu thuyền của phía Trung Quốc, ngư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn không nản lòng, và chính quyền địa phương ở đây cũng đang nỗ lực phát triển hậu cần nghề cá, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách để hỗ trợ tối đa cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Cảng cá trên đảo Lý Sơn, từ lâu đã là điểm đầu mối trung chuyển cá đánh bắt từ ngoài khơi vào đất liền. Nhiều tàu cá của các tỉnh bạn cũng ghé về đây để làm hậu cần rồi tiếp tục ra khơi. Dù phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nhưng nghề cá đang tạo ra nhiều công ăn việc làm mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với nghề nuôi trồng trong đất liền.

Ông Bùi Lý, Thuyền viên trên tàu Qng 96446TS cho biết: Một năm thu nhập bình quân được 1 tỷ. Đấy là bình thường nếu không bị Trung Quốc quấy phá.

Là một huyện đảo tiền tiêu, cách xa đất liền, bởi vậy, khai thác hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn quyết định thu nhập của hơn 60% cư dân trên đảo. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và khuyến khích ngư dân đóng mới tàu công suất lớn để vươn xa hơn, bám biển dài ngày hơn. Hiện toàn huyện có hơn 400 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có hơn 150 tàu đang đánh bắt, khai thác tại hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa với trên 3000 lao động.

Bà Phạm Thị Hương, PCT UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Đối với nguồn thu của huyện thì trong cơ cấu kinh tế giá trị 1 năm thì hơn 300 tỷ đối với đánh bắt thủy sản, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là 21 triệu/ người/ năm đối với huyện đảo Lý Sơn.

Tuy nhiên nhiều năm nay, tình trạng các tàu Trung Quốc chèn ép, bắt nạt ngư dân ta đã xảy ra nhiều lần. Nhất là kể từ thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam thì tàu Trung Quốc càng gia tăng quấy nhiễu, cướp phá tàu của ngư dân ta.

tau-ca-ngu-dan-ly-son-bam-bien

Tàu thuyền của ngư dân luôn ra vào tấp nập cảng cá Lý Sơn

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Từ tháng 5 đến giờ 7 trường hợp tàu Trung Quốc đã đâm va, cướp đoạt tài sản của ngư dân chúng tôi trên ngư trường Hoàng Sa làm cho nhiều ngư dân trắng tay. Đến giờ phút này sau 6 tháng sơ kết của nghiệp đoàn nghề cá đánh giá còn 4 triệu 500 nghìn/ người/ tháng. Đây hết sức là khó khăn, bởi khai thác ở Hoàng Sa chúng tôi có mồ hôi, nước mắt và cả xương máu.

Để hỗ trợ ngư dân, chính quyền và các nghiệp đoàn nghề cá ở Lý Sơn đã nhiều lần kiến nghị các lực lượng Kiểm ngư và Cảnh Sát Biển Việt Nam tăng cường hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa nhằm bảo vệ ngư dân, đồng thời mới đây Chính phủ cũng đã đầu tư cho huyện đảo Lý Sơn một đường cáp điện ngầm dưới biển.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện, sẽ là những tiền đề để phát triển hậu cần nghề cá, giúp cho ngư dân có điều kiện phát triển nghề đánh bắt xa bờ và bám biển được dài ngày hơn. Đó cũng là điều kiện cần thiết để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

BT