Sáng 25/8, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức hội thảo “Công nghệ Thông tin và Truyền thông với Biển – Đảo Việt Nam” lần thứ 20. Mục đích của hội thảo lần này nhằm tìm ra giải pháp xây dựng Viễn thông và Công nghệ thông tin (CNTT) cho biển đảo, cũng như các giải pháp đảm bảo môi trường xanh bền vững.
Trong tài liệu báo cáo tại hội thảo, ban tổ chức cho biết, Việt Nam là một quốc gia với 1 triệu km 2 mặt nước biển, hơn 3.260km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Ứng dụng CNTT và TT đến với các xã biên giới, hải đảo là việc cần thiết, quan trọng tới chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thông tin từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo Việt Nam chưa đồng bộ, chưa được sử dụng rộng rãi ở các bộ, ngành, địa phương.
Đà Nẵng là một trong những thành phố có chỉ số đứng đầu về ứng dụng CNTT, trong đó có mô hình “chính quyền điện tử”. Ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết: “Đà Nẵng hiện nay ký kết chuyển giao mô hình chính quyền điện tử cho 22 địa phương. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện mô hình này. Việc xây dựng chính quyền điện tử là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết liệt của lãnh đạo, thực hiện liên kết với các sở, ban, ngành”.
Hội thảo lần thứ 20 tập trung thảo luận các vấn đề chính: Thực trạng và các nhu cầu bức thiết với ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông phục vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển và các đảo xa bờ. Hiện trạng và định hướng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam theo Nghị quyết 36a của Chính phủ. Cơ chế, chính sách, định hướng triển khai, tích hợp kết nối dịch vụ hành chính công các cấp phục vụ chính quyền điện tử. Thực trạng và xu hướng về an ninh, bảo mật; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Phát triển mạng viễn thông cố định và di động băng rộng, phủ sóng truyền hình số để cung cấp các dịch vụ viễn thông và truyền hình số tới các xã khu vực biên giới biển, và các huyện đảo, các vùng biển có bán kính 100 km tính từ bờ. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ phát thanh trên biển phục vụ ngư dân.
Đến năm 2020, bảo đảm 100% các xã khu vực biên giới biển, các xã đảo có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng và được trang bị hệ thống truyền thanh cơ sở. Xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn then chốt. Nhiều mô hình được áp dụng như Open eGgov Plafrom của Đà Nẵng, hay mô hình tổng thể một cửa Quảng Ninh đến nay đã có gần 80% các tỉnh thành đã và đang tiếp nhận, nghiên cứu, triển khai.
Phát biểu trong hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: Phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a trong đó tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp. Trong 3 năm tới, chúng ta sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn kết với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dịch vụ công trực tuyến. Hướng đến rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, phấn đấu năm 2017 đạt trong nhóm 3 nước đứng đầu khối Asean về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.
Tam Liên