(HNM) – Vẫn là hòn đảo diện tích chừng 10km2 nhưng bây giờ cuộc sống của khoảng 21.000 dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có nhiều đổi thay. Chính sách phát triển toàn diện, đặc biệt là việc nỗ lực đưa điện quốc gia vượt biển tới Lý Sơn đã làm nên những điều kỳ diệu nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc…
“Gấu đông” tỉnh giấc
Sau một thời gian dài khá im ắng, năm 2015, hoạt động thu hút đầu tư vào Lý Sơn được đẩy mạnh. Trong năm, Lý Sơn đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại đảo. Đặc biệt, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thu hút nhiều nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đang ngày một tăng cao. Tính riêng số khách sạn, nhà nghỉ đang xây dựng và sẽ hoàn thành đầu năm 2016 là khoảng 10 cơ sở, trong đó có khách sạn Mường Thanh Lý Sơn đầu tư với tổng vốn gần 450 tỷ đồng. Khách sạn có quy mô 4 sao, 10 tầng, 200 phòng. Ngay khi có điện lưới quốc gia, các hộ gia đình, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 30 cơ sở nhà nghỉ, khách sạn, với khoảng 300 phòng. Sau khi có điện, giá phòng nhà nghỉ, khách sạn đã hạ xuống dù trang thiết bị được đầu tư hiện đại hơn. Lý giải “nghịch lý” này, các chủ nhà nghỉ, khách sạn cho biết, điện lưới quốc gia đã giúp giảm 2/3 chi phí dùng điện bằng chạy máy phát điện Diezel. Đó là lý do chủ các cơ sở lưu trú giảm giá phòng, với mức giảm 30.000 đồng – 50.000 đồng/phòng/ngày đêm.
Ra đảo sau hơn 1 năm có điện lưới quốc gia, đảo như một công trường lớn. Suốt ngày rền vang tiếng máy móc thi công công trình. “Có điện lưới quốc gia, huyện đảo được cấp trên quan tâm triển khai nhiều dự án. Mục tiêu là xây dựng huyện đảo mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng” – ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết. Hiện, huyện đảo đang tiếp tục được đầu tư xây dựng các tuyến giao thông với số vốn hàng trăm tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại, đưa chủ trương xây dựng “đô thị trên biển” của Lý Sơn trở thành hiện thực.
Dịch vụ hậu cần nghề cá trước cơ hội “lên ngôi”
Chúng tôi đến thăm cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lý Sơn của gia đình ông Lê To, thôn Đông, xã An Hải khi những con tàu công suất lớn, sau bao ngày bám biển, được đưa về bờ nghỉ ngơi, chờ đến lượt sơn sửa để chuẩn bị cho những chuyến hải trình năm 2016. Tiếng máy cưa, máy bào, máy sơn; tiếng búa đục ầm vang cả một góc biển.
Ông Lê To – chủ cơ sở cả ngày ở triền đà động viên, nhắc nhở cánh thợ hăng say làm việc, sớm hạ thủy những con tàu lên bờ trước, nhường chỗ cho những chiếc tiếp theo. Hiện nay, triền đà của ông To có khoảng 30 thợ đóng sửa tàu thuyền lành nghề có việc làm thường xuyên. Mỗi ngày công lao động bình quân 500.000 đồng, nếu là thợ cả có thể 700.000 – 800.000 đồng/ngày. Ông Lê To hồ hởi khoe với chúng tôi chuyện mở rộng làm ăn của cơ sở. Kể từ ngày có điện lưới quốc gia, ông mua thêm máy cưa, máy bào, mua gỗ về để sửa chữa lớn. Trước khi có điện, cơ sở chỉ nhận quét sơn lại tàu. Mở rộng dịch vụ giúp lợi nhuận của cơ sở tăng 5 – 7 lần.
Những ngư dân ở đảo cũng tỏ rõ vui mừng. Ngư dân Bùi Ngọc, chủ tàu cá QNg 96513 TS ở thôn Đông, xã An Hải cho biết: Đánh bắt từ Hoàng Sa về bán cá xong là rong tàu về đảo nghỉ ngơi. Trước đây, muốn sửa tàu phải vào đất liền, còn nay sửa ở đảo luôn, đỡ tốn công, tốn tiền dầu. Lợi đến cả mấy chục triệu đồng. Còn ông Lê To thì cứ nhắc đi nhắc lại: “Trước chưa có điện, chạy dầu Diezel chi phí cao mà hiệu quả kinh tế không cao. Nay có điện chi phí giảm mà lại thu lãi lớn”. Nói rồi ông To đưa chúng tôi đi vòng quanh cơ sở của ông để giới thiệu về dàn máy móc mới đầu tư tiền tỷ. Ông To còn đang có dự định đầu tư thêm một số máy móc hiện đại để sửa chữa, thay vỏ tàu, hướng đến việc đóng tàu công suất lớn.
Cơ sở sản xuất đá lạnh của ông Võ Son, Thôn Tây, xã An Vĩnh nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, sát vách với nhà ở của các hộ dân. Buổi trưa, cơ sở vẫn chạy máy đều đều để kịp có đá lạnh phục vụ tàu cá ra khơi. “Ngày trước, chạy máy Diezel phát điện để sản xuất đá lạnh tiếng ồn giữ lắm. Trưa, tối phải ngưng để bà con nghỉ ngơi. Còn giờ, chạy bằng điện, tiếng máy êm ru à” – ông Võ Son vui vẻ cho biết. Theo ông Son, mỗi ngày cơ sở ông cung ứng cho các tàu cá vài ba trăm cây đá lạnh. Trước đây chủ yếu là làm đá lạnh bỏ cho quán giải khát, khi có điện lưới, ông nâng công suất phục vụ cho tàu cá. Sản xuất được mở rộng phát triển nhưng chi phí lại giảm đáng kể khi có điện lưới quốc gia. Ông Son bảo: “Trước đây mỗi tháng tiền mua dầu phát điện bằng máy Diezel lên đến 200 triệu đồng, nay chỉ tốn hơn 40 triệu đồng, lợi đủ đường”.
Có điện, hệ thống cung ứng nhiên liệu cho tàu cá cũng phát triển mạnh. Công đoạn bơm dầu cho tàu cá đi khơi cũng không phải tính bằng can hay bơm tay thủ công. Tàu cá cặp vào sát mép cảng, nhân viên của đại lý xăng dầu sẽ ấn nút, rồi cầm vòi bơm cho đến khi đủ số lượng cần thiết. Việc tính tiền cũng có hệ thống điện tử từ trụ bơm “chốt” chính xác.
Thỏa mong ước “nước ngọt, điện sáng”
Tin đảo Bé sẽ có điện Diezel 24/24h trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đã trở thành niềm vui lớn của người dân nơi hòn đảo nhỏ côi cút này. Chị Dương Thị Vân – Khu dân cư số 2 phấn khởi nói: “Điện về nhanh thế sao! Thế là từ Tết này, dân đảo Bé không phải sống trong cảnh không điện, buồn tẻ, heo hắt nữa”. Chị Vân cho biết, cách đây 2 tuần, gia đình chị thu hoạch hành, mua được 1 bình ác quy nhưng do nguồn điện sạc bình không ổn định, “cái bình sáng” này cũng ngày tỏ, ngày không. “Mình ở đảo này từ nhỏ đến nay đã 45 năm rồi. Khổ cực vì thiếu điện đã nếm đủ. Ước mong có điện mà thành hiện thực thì hạnh phúc quá!”.
Ở đảo Bé, vào năm 2012, DoosanVina đã hỗ trợ máy lọc nước biển thành nước ngọt (trị giá 1 triệu USD). Hiện nay, toàn bộ người dân Lý Sơn được dùng nguồn nước ngọt này. Chuyện thiếu nước ngọt sinh hoạt ở đảo Bé đã lùi vào dĩ vãng. “Có nước ngọt, giờ lại có điện thắp sáng, sung sướng biết nhường nào” – cụ ông Bùi Mã, thôn Bắc, xã An Bình cho biết.
Đảo Bé nằm cách đảo lớn huyện đảo Lý Sơn khoảng 3,5 hải lý (6km), hiện có khoảng 100 hộ dân sinh sống. Năm 2000, đảo Bé được đầu tư 1 máy phát điện Diezel công suất 15KVA, phát điện áp 0,4KV cấp điện trực tiếp cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, máy này đã bị hư hỏng. Trên đảo hiện nay chỉ còn máy phát điện của UBND xã công suất 3KVA phục vụ hoạt động hành chính khi cần thiết. Năm 2005, có 20 hộ dân trên đảo được cấp điện bằng hệ thống điện mặt trời. Tất cả các phương án cấp điện này đều chưa ổn định, không bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trên đảo.