Gia phả Hoàng Sa…Bài 1 Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn!

(Cadn.com.vn) – Dễ đến hơn 10 năm, tôi mới có dịp trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) – nơi xuất phát của “hải đội hùng binh” kiêu dũng một thời, mảnh đất của những con người kiên trung giữa muôn trùng sóng nước Hoàng Sa- Trường Sa… Đặt chân lên mảnh đất này, điều đầu tiên dễ nhận thấy là những chứng tích ghi dấu chủ quyền Hoàng Sa vẫn sừng sững, và con người nơi đây, dòng máu của “đội hùng binh” năm xưa vẫn đang ngày đêm thao thức, đồng vọng về một Hoàng Sa cách trở, xa xôi, nhưng lại gần gũi đâu đó trong tim mỗi người…

le-khao-linh-hoang-sa

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được diễn ra vào 16 tháng 3 âm lịch hằng năm để ghi nhớ các thế hệ cha anh đã hiên ngang vì chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

“Nặng nợ” với Hoàng Sa

Trước khi xuống tàu ra Lý Sơn, tôi may mắn được trò chuyện với anh Phan Đình Độ, Trưởng phòng quản lý di sản (Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi). May mắn là bởi, Độ là hậu hiền, đời thứ 12 của dòng họ Phan ở Lý Sơn, nên anh hiểu rất rõ về quê hương, dòng tộc của mình. Qua những câu chuyện kể, tôi thấy được trong chiều sâu tâm thức, của anh và hẳn là mỗi người dân Lý Sơn, vẫn không bao giờ nguôi ngoai về một Hoàng Sa “lưu lạc”, đang mong ngóng một ngày sẽ trở về với đất Mẹ thân yêu…

Anh bảo, từ nhỏ đã rất thích thú khi được nghe các cụ già, nhất là bà nội của mình kể chuyện về đảo Lý Sơn, về quá trình hình thành và phát triển của đảo. Đặc biệt, anh rất thích thú với những câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về hải trình vượt sóng gió của những “Kinh Kha” một đi không trở lại với nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, cao cả là mở mang bờ cõi đất nước, quê hương… “Những câu chuyện ấy đã lớn lên cùng tuổi thơ, cùng những tháng ngày rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm trên đảo mà tôi gọi là đi điền dã, với mục đích cuối cùng nhằm minh định cho mình rằng những câu chuyện ấy là có thật”, Phan Đình Độ mở lời.

Sau nhiều năm cất công nghiên cứu, tìm hiểu, anh nhận ra rằng, ngoài những chứng tích còn lại trên đảo, những cứ liệu được ghi chép trong gia phả các tộc họ, những “tờ lệnh” được phát hiện sau này đều ghi dấu chủ quyền Hoàng Sa… thì đặc biệt, trong tâm thức người dân họ vẫn nhớ và kể một cách đầy tự hào về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác. “Khi lớn lên, một mặt để phục vụ cho công việc chuyên môn, quan trọng hơn là niềm đam mê thôi thúc, với ưu thế của người sinh ra ở Lý Sơn, tôi đã lần tìm về lịch sử của quê hương, và bắt đầu nhận ra giá trị của nó”, anh Độ cho biết. Và những năm 1990, anh bắt đầu sưu tầm các tài liệu có liên quan, qua các câu ca, chuyện kể, từ đó phát hiện ra ở Lý Sơn có một lễ thức dân gian đặc biệt liên quan đến Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đó là lễ tế sống người đi lính. Càng tìm hiểu, anh càng nhận ra “sự vô giá” của lễ thức này.

Từ việc viết bài gửi cho một số tạp chí nói về đời sống văn hóa, tâm linh của người dân trên đảo, đến nghiên cứu sâu hơn về các lễ hội, đặc biệt là các bài viết có liên quan đến Đội hùng binh Hoàng Sa, ví như “Tế sống lính Hoàng Sa, một nghi thức đặc biệt trên đảo Lý Sơn”, thì cá nhân anh và lễ thức này bắt đầu nhận được sự quan tâm, chú ý của các nhà văn hóa. Năm 2005, anh và một số đồng nghiệp ở Sở Văn hóa quyết định đăng ký đề tài nghiên cứu cấp bộ, đồng thời đưa ra ý tưởng phục dựng lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.

Năm 2008, sau nhiều lần kiểm chứng, thẩm định, ngành văn hóa Quảng Ngãi có đầy đủ cơ sở để phối hợp với địa phương tiến hành phục dựng, đồng thời nâng tầm Lễ khao lề cho đến ngày nay. “Và nó đã trở thành một lễ hội truyền thống, lễ thức đặc biệt của cư dân trên đảo liên quan mật thiết đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đội hùng binh Hoàng Sa lừng lẫy một thời”, Phan Đình Độ nhìn nhận.

Gia pha Hoang Sa... - Anh 2

Anh Phan Đình Độ kể chuyện về quê hương Lý Sơn của mình.

Hoàng Sa trong tâm thức người dân đảo

Theo Phan Đình Độ, căn cứ vào các tài liệu chính sử còn ghi lại, thì Đội Hoàng Sa ra đời vào thời kỳ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), hay nói cách khác, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên là người đã lập ra Đội Hoàng Sa – một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo của triều đình phong kiến Việt Nam trên các quần đảo giữa biển Đông. Anh Độ cho biết: Cuốn sách cổ ghi chép tương đối đầy đủ và cụ thể về Đội Hoàng Sa là “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, được viết vào năm 1776 và “Hoàng Việt địa dư chí” của Phan Huy Chú… Trong đó thể hiện, hàng năm, các Chúa Nguyễn đã sai người tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở hai làng An Vĩnh và An Hải vùng cửa biển Sa Kỳ, sau này là dân đinh ở hai phường An Hải và An Vĩnh ở đảo Lý Sơn giương buồm theo gió nồm vượt sóng ra Hoàng Sa. Cứ tháng 2 nhận lệnh ra đi, tháng 8 trở về cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) để nộp sản vật khai thác được cho kinh thành…

Từ những cứ liệu này, Phan Đình Độ cho rằng, 70 suất đi Hoàng Sa (và sau này là cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, và theo nguyên tắc luân phiên nhau, đặc biệt không bao giờ lấy người con trưởng, bởi người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tự, người con thứ phải đăng lính. Vì thế hầu như toàn bộ tộc họ thuộc xã An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa.

Nhưng những người đi lính Hoàng Sa thuở ấy, không mấy ai còn được trở về. Những rủi ro luôn đón chờ các binh phu chinh phục Hoàng Sa. Họ được ví như những chàng Kinh Kha một đi không trở lại. Tri ân họ, và cũng là để “trấn an” những chàng trai trẻ của Lý Sơn trước lúc lên đường, người dân đã tổ chức một lễ hội mang tên Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hay còn được gọi bằng một tên khác, thay chữ “thế lính” bằng “tế lính”. “Khi nói “thế lính” là dùng để chỉ các bước tiến hành của buổi lễ mà ở đó, thầy pháp (phù thủy) bằng phép thuật của mình đã “yểm” vào các hình nhân thế mạng cũng như các con thuyền cách điệu là sẽ phải “chết thế” cho số binh phu sắp lên đường. Còn nói “tế lính” là để chỉ việc tri ân những người đã bỏ mạng ngoài Hoàng Sa hoặc “tế sống” những người sắp lên đường”, Phan Đình Độ phân tích. “Ý nghĩa của việc làm này là tạo nên tâm lý hết sức ổn định cho người đi, rằng mình đã được cúng thế rồi, nếu có chuyện gì xảy ra thì đã có hình nhân thế mạng, họ sẽ tự tin ra đi dù có gặp sóng gió, bão bùng thì cũng được che chở”, Phan Đình Độ nhìn nhận.

hoang-sa-kiem-quan-bac-hai

Nhà trưng bày Hải Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải nơi lưu trữ các tư liệu, hình ảnh,…về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Ở Lý Sơn, ngoài lễ khao lề thì còn có một hệ thống di tích và tư liệu liên quan đến Đội Hoàng Sa – Bắc Hải rất có giá trị, và đây là đặc trưng riêng có ở Lý Sơn. Ngoài ra, nó còn được lưu giữ trường tồn trong tâm thức dân gian của người dân trên đảo. “Cái độc của Lý Sơn là nhiều thế hệ đều biết về đội hùng binh Hoàng Sa – Bắc Hải. Ví như tôi chẳng hạn. Hồi xưa, khi nghe bà nội kể những câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tôi hỏi vì sao bà biết những câu chuyện này. Bà tôi bảo, ông nội bà kể lại. Từ thực tế đó, có thể xem đây là dòng chảy ký ức về tổ tiên, dòng tộc nối tiếp thế hệ này qua thế hệ khác và được lưu giữ bền chặt, không dễ gì mai một”, anh Độ nhìn nhận.

Ký sự: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)