Gia phả Hoàng Sa…Bài 2: “Pho Sử Sống” Trên Đảo Lý Sơn

(Cadn.com.vn) – Đối với mỗi người dân Lý Sơn, Hoàng Sa luôn nằm trong tâm thức. Hoàng Sa là máu thịt của đất nước, là người anh em của Lý Sơn. Và thực tế, đi đâu, gặp ai trên đảo cũng thấy hình bóng của Hoàng Sa…

Chuyện “Người Gác Đền”

“Muốn tìm hiểu gì về Lý Sơn, về Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thì cứ tìm gặp cụ Võ Hiển Đạt. Có thể người dân Lý Sơn ai cũng biết, cũng kể được, nhưng để hiểu hết chiều sâu lịch sử, văn hóa trên đảo, thì cụ Đạt là một trong ít người tường tận nhất”, anh Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện gợi mở cho chúng tôi về “cuốn gia phả sống” của Lý Sơn khi vừa đặt chân lên đảo.

vo-hien-dat

Cụ Võ Hiển Đạt được xem là “pho sử sống” trên đảo Lý Sơn.

Theo chân Long, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) Lý Sơn, chúng tôi đến nhà cụ Đạt (86 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Ngôi nhà cổ ngót 200 năm, chở che cho bao thế hệ trong gia đình cụ Đạt đến nay vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí những cột gỗ, hoa văn chạm khắc như thể đã… hóa thạch, càng nói lên sự trường tồn của nó. Cụ Đạt là hậu duệ đời thứ 9 dòng họ Võ nổi tiếng trên đảo Lý Sơn. Từ nhỏ, cụ được gia đình cho ăn học tử tế, đặc biệt là niềm đam mê học chữ Nho từ các ông đồ trong làng.“Do thời cuộc và hoàn cảnh gia đình nên tôi không thể đi theo con đường học vấn, nhưng niềm đam mê từ những con chữ thâm thúy tự bao giờ đã cuốn hút tôi nghiên cứu chữ Nho. Từ đó tôi nhận ra rằng, trong gia phả các tộc họ, trong các di tích, đền thờ trên đảo lưu giữ rất nhiều thông tin về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về chủ quyền Hoàng Sa, nên quyết tâm phải học và đọc bằng được các văn tự này”, cụ Đạt cho biết. Chính nhờ vốn chữ Nho uyên thâm mà cụ Đạt đã phát hiện ra nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trên đảo Lý Sơn. Nhiều bậc cao niên trên đảo còn ví cụ là “bảo tàng sống” của quê hương đội hùng binh Hoàng Sa. Không những thế, cụ còn là người đã gắn trọn cả đời mình với ngôi đền Âm Linh tự – vừa là nơi thờ cúng các bậc tiền hiền có công khai phá đất đảo, vừa là nơi thờ tự linh hồn của những nghĩa sĩ – binh phu một thời khai khẩn Hoàng Sa, Trường Sa.

Nói về ý nghĩa của Âm linh tự đối với đời sống tâm linh của người dân trên đảo, cụ Đạt bảo rằng: Hằng năm, thay vì chỉ có một lệ trong tiết Thanh Minh, Âm Linh tự có rất nhiều lệ cúng, từ chuyện tế lễ trước mỗi dịp đua thuyền truyền thống của đảo, đến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đều diễn ra tại ngôi đền này. Không chỉ là nơi tế lễ, ngôi đền còn là chỗ cất giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử hình thành của đảo Lý Sơn nữa.

vo-hien-dat1

vo-hien-dat2

Mô hình ghe câu mà Hải đội Hoàng Sa sử dụng được cụ Đạt mô phỏng và phục dựng lại qua nghiên cứu các văn tự cổ.

“Pho Sử Sống” Trên Đảo Lý Sơn

Cho chúng tôi xem các văn bản chữ Nho do chính mình sưu tầm, dịch ra tiếng Việt như “Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”; “Lai lịch hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”; “Lai lịch cư dân đến đảo Lý Sơn và tuyển binh phu đi Hoàng Sa” và đặc biệt là “Bằng cấp tái xuất vãng Hoàng Sa xứ” (Tờ lệnh đi quần đảo Hoàng Sa) của triều đình xưa được một dòng họ trên đảo lưu giữ, cụ bảo rằng đây là bằng chứng mà không ai, không có một thế lực nào có thể phủ nhận Hoàng Sa không phải của Việt Nam. “Cùng với Lễ khao lề thế lính, những ngôi mộ chiêu hồn và hàng loạt các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến Đội Hùng binh Hoàng Sa, thì các Tờ lệnh được lưu giữ lại càng nhắc nhở cho chúng ta phải ghi xương khắc cốt về một góc trời thiêng liêng của Tổ quốc-nơi đó Hoàng Sa đang nằm trong tay kẻ khác!”, cụ Đạt thốt lên như thế khi chúng tôi nhắc nhớ về Hoàng Sa!

Ngoài việc am tường chữ Nho, miệt mài với công việc dịch thuật các cứ liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, điều đáng trân trọng nữa là dù tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn ngày đêm góp công, góp sức bảo tồn, phục dựng các di tích về Hải đội Hoàng Sa, với mong muốn duy nhất là lưu giữ, truyền lại cho đời sau những trang sử oanh liệt của cha ông thuở trước, và để nhắc nhớ cho họ về một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng cần phải thực hiện.

Cứ mỗi dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, Lý Sơn lại rộn ràng với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Người dân trên đảo và những du khách tham dự lễ hội lại được chiêm ngưỡng những chiếc ghe câu được tái hiện và những linh vị ghi tên tuổi, quê quán của các binh phu ra đi Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa không trở về, được viết nắn nót bằng chữ Nho do cụ Võ Hiển Đạt kỳ công phục dựng. “Để có được những mô hình thuyền câu và những linh vị trang trọng ấy, trong một lần được mời vẽ lại đôi liễn đối tại nhà thờ họ Nguyễn ở xã An Hải, tôi đã phát hiện mô hình chiếc ghe câu của đội hùng binh Hoàng Sa vẽ trên giấy bản khổ lớn, đã ố màu thời gian được tộc này cất giữ cẩn thận. Sau đó, tôi đã ghi chép tỉ mẩn hình dáng, kích thước, chất liệu để có thể phục dựng những kinh thuyền Hoàng Sa cho mỗi dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm”, cụ Đạt cho biết.

khao-le1

Và từ bản vẽ này, cụ Đạt đã phải bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm vật liệu, mày mò đục đẽo và phục chế thành công chiếc ghe câu mà ông cha ngày xưa dùng để ra Biển Đông khai phá. Đến nay, những chiếc ghe câu này đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi và Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Lý Sơn. Theo cụ Đạt, tư liệu ở Lý Sơn, tất cả các văn tự còn nguyên con dấu, một bằng chứng hiển nhiên rõ rệt không ai chối cãi được. Để ghi nhận những đóng góp của cụ Võ Hiển Đạt trong việc phát hiện, dịch nhiều tài liệu quý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là công lớn trong việc tái hiện và phục dựng lại những chiếc thuyền câu mà binh phu Hoàng Sa năm xưa sử dụng ra Hoàng Sa và góp phần trùng tu, gìn giữ nét văn hóa biển đặc trưng ở Lý Sơn, trên cơ sở đề xuất của Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Bộ VH-TT&DL đã công nhận cụ Đạt là Nghệ nhân văn hóa dân gian của tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đã cấp cho cụ chứng chỉ dịch thuật bởi những đóng góp của cụ khi dịch rất nhiều tư liệu từ chữ Nho ra tiếng Việt khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa để lưu giữ tại bảo tàng quốc gia, phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh ngoại giao của đất nước.

Ký sự: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)