Gia phả Hoàng Sa…Bài 3: Hai người phụ nữ đặc biệt ở Lý Sơn

(Cadn.com.vn) – Muốn tìm hiểu về lịch sử của Đội hùng binh Hoàng sa trên đảo Lý Sơn, một trong những địa chỉ không thể bỏ qua là Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ngoài ra, phải gặp và nghe người phụ nữ “hát ru Hoàng Sa” trên đảo thì mới hiểu hết ý nghĩa, căn cốt của nó. Với tôi, ngoài việc được “thẩm thấu” các giá trị văn hóa, lịch sử, chủ quyền Hoàng Sa qua các hiện vật, điều ấn tượng nhất là được gặp hai người phụ nữ “đặc biệt”. Họ chính là những “cuốn gia phả thời hiện đại” tiếp tục lưu giữ, phát huy những chứng tích ghi dấu chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam cho các thế hệ mai sau…

“Thổi hồn” cho các hiện vật…

Đặng Thị Hiền, cán bộ Phòng VH-TT phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Lý Sơn, là hậu duệ đời thứ 15 của Đà công Đặng Văn Siểm-một trong những vị “công thần” khai phá Hoàng Sa thời Minh Mạng thứ 15 (1834). Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng ý thức về truyền thống dòng tộc, về chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc mà các vị tiền nhân đã có công thiết lập, Hiền đã gác lại ước mơ nơi phồn hoa đô thị trở về quê hương, góp một phần công sức của mình để những chứng tích, cứ liệu về Hoàng Sa được “sống lại”, trường tồn; tái hiện lại những thước phim ông cha dong buồm ra khai phá Hoàng Sa thuở trước.

dang-thi-hien

Đặng Thị Hiền đang giới thiệu cho du khách tham quan về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Công tác tại Nhà trưng bày Hoàng Sa từ năm 2010, với nhiệm vụ hướng dẫn viên, thuyết trình nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa của các hiện vật, câu chuyện có liên quan được lưu giữ tại Nhà trưng bày, Hiền cho biết, mặc dù ngày nào cũng tiếp xúc với chúng nhưng mỗi lần như vậy, cô lại không kìm được cảm xúc. Đặc biệt là khi nhận được sự đồng cảm từ du khách tham quan. Nói về “cái duyên” khi đến với nghề, Hiền bảo, ngay từ nhỏ, trong các câu chuyện kể của ông bà, bố mẹ, ấn tượng sâu đậm nhất là những chuyện kể về Đội hùng binh Hoàng Sa.

Những câu chuyện ấy đã lớn lên cùng Hiền, như ám ảnh, thôi thúc Hiền say mê tìm hiểu và muốn làm một điều gì đó để những câu chuyện ấy có thể vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình mình, đến với mọi người. Và trở thành hướng dẫn viên trên quê hương Hải đội Hoàng Sa là lựa chọn đúng đắn nhất của Hiền khi tốt nghiệp trường du lịch…”Là hậu duệ của những hùng binh năm xưa, khi được tận mắt nhìn thấy các vật dụng mà tổ tiên sử dụng trong quá trình khai phá Hoàng Sa, rồi những hy sinh, mất mát của họ, em không thể nào cầm lòng được”, Hiền nói.

Với Hiền, xúc động nhất có lẽ là khi giới thiệu cho du khách những câu ca được lưu truyền trong dân gian nói về sự hy sinh của những binh phu Hoàng Sa thuở nào. “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”, theo Hiền nhìn nhận, những câu ca nói về việc chinh phục Hoàng Sa của những hùng binh thuở trước đều mang âm hưởng bi hùng nhưng tuyệt nhiên không hàm chứa một sự phản kháng nào. Mặc dù người lính khi nhận “lệnh vua sai” phải vượt sóng gió, bão bùng ra Hoàng Sa, biết rằng “đi có về không” nhưng họ vẫn hiên ngang đối mặt, chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào. Và phải chăng, việc sai phái binh phu ra Hoàng Sa của triều đình thời ấy đã song trùng với tâm nguyện chinh phục biển Đông của người dân ở đảo Lý Sơn nói riêng, nước Việt nói chung.

“Các thế hệ người lính Hoàng Sa đã hy sinh xương máu của mình, họ là những người tiên phong trong việc mở cõi, góp phần viết nên trang lịch sử chủ quyền vẻ vang của dân tộc ta ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chính họ là những anh hùng vô danh, xứng đáng để chúng ta và con cháu đời sau ngưỡng vọng, tôn vinh, ghi nhớ, lưu niệm mãi muôn đời”, Hiền say sưa giới thiệu cho du khách khi đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Người “hát ru Hoàng Sa”…

Chúng tôi cũng thật sự bất ngờ khi hỏi về bà Đỗ Thị Hảo-“người phụ nữ hát ru Hoàng Sa” trên đảo Lý Sơn, Hiền bảo đó là mẹ ruột của mình, ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Tiếp chúng tôi là người phụ nữ trạc tuổi 70, cao gầy, nước da sạm đen và nét khắc khổ của người phụ nữ miền biển… Sinh ra và lớn lên trên đất đảo, bà bảo cuộc đời mình và nhiều thế hệ phụ nữ ở đây đã “chôn chân”, gắn liền với đảo. Ở đảo, cuộc sống của người dân nói chung, nhất là những người phụ nữ luôn phải can trường để đối mặt với nhiều nỗi lo, bất an mỗi khi những người đàn ông trong gia đình (cha, chồng, con) ra khơi chinh phục biển cả. “Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”, sự nghiệt ngã ấy chính là khởi nguồn của những câu hát ru chất chứa nỗi nhớ thương, chờ mong từ người ở lại, bà Hảo đúc kết từ thực tiễn cuộc sống đã cho ra đời những câu hát ru trên đảo.

Về những câu hát ru trên đảo, bà cũng không biết nó có tự bao giờ, ai là người khởi xướng, chỉ biết được lưu truyền trong tâm thức, đời sống hàng ngày của những người phụ nữ trên đảo. Theo bà Hảo, không chỉ đơn thuần là những câu hát ru cho con trẻ, mà ý nghĩa của nó còn lớn hơn nhiều, đó là qua những câu hát ru ấy có thể tái hiện sự hy sinh gian khổ, sự can trường của những binh phu Hoàng Sa năm xưa. “À ơi/Con ơi con ngủ cho mau/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Hoàng Sa là của nước ta/Để người ngoại quốc xâm vào chẳng yên/Con ơi con ngủ cho ngoan/Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền”, bà Hảo cất lời…

Hát ru Hoàng Sa

Bà Đỗ Thị Hảo đang thể hiện các câu “hát ru Hoàng Sa”.

Lời ru ngọt ngào, da diết khiến người nghe cảm nhận như đâu đây vang lên âm thanh trầm hùng của tiếng ốc u, tiếng trống giục giã tiễn đoàn binh phu xuống thuyền ra Hoàng Sa mênh mông sóng nước. “Ơ ớ ờ Hoàng Sa sóng biển vỗ mênh mông/Hải âu chao cánh giữa nắng hồng/Nhớ buổi xa xưa người lính chiến/Ra đi trấn đảo lệnh Gia Long ớ ơ/Một chiếc chiếu dài một sợi mây/Qua đêm yên giấc trên chiếu này/Làng biển anh về mây bó chiếu/Mộ gió trên đồi, dưới dặng cây”… Bà Hảo bảo rằng, những câu ca ấy xuất phát từ thực tế những cuộc chinh biên của những người lính Hoàng Sa năm xưa, đó là những cuộc chinh phục biển cả đầy hiểm trắc, biết bao người ra đi đã không trở về. “Từ thời xa xưa, khi lệnh vua ban cho người binh phu trên đảo phải ra khơi trấn biển, ngoài những vật dụng cần thiết, họ thường mang theo đôi chiếu, bó mây, thẻ tre. Họ dự lường cho mình những điều không hay có thể xảy ra, và nếu lỡ có người hy sinh, đồng đội sẽ lấy chiếc chiếu đó bọc xác và cột lại bằng sợi mây, trên đó gắn thanh tre đề tên người mất rồi thả xuống biển, hy vọng sẽ có người vớt được xác và chôn cất giùm”, bà Hảo phân tích.

Khi nói về truyền thống hát ru của người dân trên đảo, bà Hảo tỏ vẻ trăn trở, tiếc nuối, bởi theo bà, hầu hết phụ nữ trên đảo đã không còn mặn mà với câu hát ru nữa. “Mong muốn của tôi là sẽ có một ngày những câu hát của mình sẽ khơi gợi cảm hứng cho thế hệ trẻ, để họ cũng tìm về hát ru và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân xứ đảo. Và những câu hát ru ấy, ngoài việc chứa đựng tình cảm và ý nghĩa lịch sử, còn góp tiếng nói trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chắc hẳn khi ấy, tôi sẽ không còn phải mang danh là người phụ nữ duy nhất trên đảo còn hát ru”, bà Hảo kỳ vọng.

Ký sự: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)