Gia phả Hoàng Sa…Bài 4: Người vẽ “bản đồ cá” trên biển Hoàng Sa

(Cadn.com.vn) – Rời Lý Sơn, chúng tôi tìm về xóm Ghềnh Cả, xã Bình Châu, H. Bình Sơn-“xóm biển Hoàng Sa” ở Quảng Ngãi. Không phải ngẫu nhiên Ghềnh Cả được gắn liền với cái tên gọi trứ danh ấy, bởi nơi đây, đa số ngư dân đang ngày đêm trực chỉ Hoàng Sa để giữ mốc chủ quyền Tổ quốc. Ngư dân Bùi Văn Tẩn (1963) là một trong những người như thế…

Cuốn “bí kíp” đi biển

Khi chúng tôi đến, Bùi Văn Tẩn đang hoàn tất khâu cuối cùng cho một chuyến biển dài ngày, mà như anh gọi là “đi thu gặt thành quả trên quê hương Hoàng Sa mà cha ông đã để lại!”. Ở xóm Ghềnh Cả, hàng chục, thậm chí hàng trăm năm qua, từ thế hệ này nối tiếp sang thế hệ khác đều lấy biển, nhất là biển Hoàng Sa – Trường Sa làm “cánh đồng bội thu” của mình. Với anh Tẩn, đã 30 năm có lẻ, Hoàng Sa và Trường Sa như nằm trong lòng bàn tay.

Ở đâu có nhiều cá, mùa nào thức nấy, anh đều thuộc nằm lòng. Đặc biệt, trong những chuyến đi Hoàng Sa, thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn đã cặm cụi ghi chép tỉ mẩn vào cuốn sổ tay những tọa độ có nhiều cá tôm. Sau 30 năm, cuốn sổ ấy đã chi chít những điểm cá, mà theo anh, phải mất rất nhiều công sức, thậm chí phải thực sự can đảm để vượt qua nhiều rủi ro, thách thức mới tích lũy được…

bui-van-tan

Thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn và cuốn “bí kíp Hoàng Sa”.

Không dễ gì để một người có “bí kíp riêng” lại tiết lộ ra cho người ngoài biết, nhất là với giới truyền thông như chúng tôi. Cũng giống như khi đi ăn một món “đặc sản” của một nhà hàng nào đó, dù bạn có cầu xin hoặc thậm chí trả giá cao để tìm hiểu bí quyết chế biến món ăn đấy thì chủ nhà hàng cũng không bao giờ tiết lộ, đó được xem là việc “sống còn” của họ.

Với Bùi Văn Tẩn thì khác, mặc dù “bí kíp” của anh được tích lũy qua hàng chục năm trời, và những điểm cá, vựa cá được anh ghi chép cụ thể, tỉ mẩn từng chi tiết được xem là “của để dành” nhưng khi chúng tôi muốn tìm hiểu, anh không hề giấu giếm. Lật giở từng trang giấy úa nhàu theo thời gian, vì hơi ẩm của nước biển mà anh gọi là “cuốn nhật ký” hải trình Hoàng Sa, anh chỉ vào vị trí được ghi tọa độ “Phú Lâm ngầm” (đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa – P.V), bảo đây là điểm có nhiều tôm cá, nhưng cũng là nơi rất “nhạy cảm”, nếu mình không tường tận, không hiểu rõ chi tiết thì rất dễ xảy ra sự cố. “Ngư dân Ghềnh Cả khai thác ở Hoàng Sa chủ yếu là lặn đêm, vì vậy, khi đi vào vùng biển này, tất cả hệ thống đèn tín hiệu trên tàu đều phải tắt. Màn hình máy định vị trên tàu cũng phải che kín lại. Nếu mình không thuộc nằm lòng các điểm cá, không biết đường ra lối vào thì không thể yên tâm khai thác và khai thác không thể hiệu quả được”, thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn rút kinh nghiệm.

“Đa số ngư dân đi lặn ở cái xóm Ghềnh Cả ấy đều có thể nắm được các điểm cá, biết rõ vị trí nào có nhiều cá, tôm có giá trị kinh tế cao, nhưng để có được kinh nghiệm như thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn thì phải nói là xưa nay hiếm”, ngư dân Nguyễn Văn Tĩnh (1973), xóm Ghềnh Cả nhận xét. Anh Tĩnh cũng là một trong những ngư dân dày dạn kinh nghiệm với nghề lặn đêm ở Hoàng Sa, nhưng khi nói về kinh nghiệm nhận biết các điểm cá, anh bảo chưa thể bằng anh Tẩn được. “Tôi cũng như nhiều ngư dân ở đây đều có sổ ghi nhật trình đi biển, ghi các tọa độ có nhiều tôm cá ở Hoàng Sa- Trường Sa, nhưng số điểm cá ấy khi muốn trở lại khai thác thì cần phải có tọa độ, định vị chính xác mới đến được, còn bằng cảm quan như anh Tẩn thì chịu”, anh Tĩnh thừa nhận.

Gần lắm Hoàng Sa

Quả thực, lướt qua cuốn sổ của ngư dân Tĩnh và thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn, chúng tôi thấy rõ sự khác biệt. Cuốn sổ anh Tĩnh thì ghi tọa độ, còn anh Tẩn thì tường tận hơn, ghi rõ các điểm cá: Đảo Đá Lồi, Bạch Quy phía trên, trụ đèn đảo Đá Bắc, đảo Bom Bay phía trên, đảo Tây đầu trong, lạch Xà Cừ trên…, là những điểm cá được anh ghi chi tiết trong những trang đầu tiên của cuốn sổ. Tại khu vực đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, anh đã khảo sát đáy biển và lưu lại được 2 điểm ngầm có cá mú, đó là điểm 10-80 và 10 – 46 (ghi tắt). Gò Lúa gần đó được lưu các điểm cá là 60 – 80. Đây chính là những “điểm vàng”, nhưng anh thì gọi là “nhà cá”. Nơi nào nhiều cá quá thì gọi là “thành phố cá”.

Ngoài việc ghi chép tỉ mẩn các điểm cá ở Hoàng Sa-Trường Sa, trong cuốn “bí kíp” của anh còn ghi chép đầy đủ các điểm vào bờ để tránh trú bão từ Vịnh Bắc Bộ vào tận Cà Mau. Bên cạnh đó là những tọa độ, điểm vào tránh, trú bão ở Hoàng – Trường Sa. Tại Hoàng Sa, theo anh Tẩn, mỗi khi có bão, ngư dân thường neo tránh bão và trụ lại ở đảo Đá Bắc và Bom Bay, chịu được sóng gió cấp 9 cấp 10. Nếu ban đêm chạy vào vành đai của đảo san hô Bom Bay thì chạy vào cửa phía Tây, còn về đảo Đá Bắc thì hướng theo cột đèn và được anh Tẩn đánh dấu tọa độ cẩn thận và chi tiết…

nguyen-van-tinh

Ngư dân Nguyễn Văn Tĩnh kể lại sự việc bị tàu nước ngoài cắt ống thông khí, không cho khai thác tại vùng biển Hoàng Sa.

Khi chúng tôi hỏi, ngư trường Hoàng Sa có nhiều tôm cá thật, nhưng cũng rình rập nhiều hiểm nguy, tại sao anh và hầu hết ngư dân Ghềnh Cả vẫn ngày đêm ra đây khai thác, anh bảo đó là ngư trường truyền thống, là “cánh đồng” với nhiều mùa vàng bội thu, đặc biệt là vùng biển mà cha ông ta – Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã ra dựng mốc chủ quyền, vậy mắc gì mình không khai thác, không hiện diện nơi đây. “Mỗi lần ra Hoàng Sa, mặc dù không thể đặt chân lên đảo, nhưng cá nhân tôi và hẳn là toàn bộ các thuyền viên trên tàu, ai nấy đều cảm thấy ray rứt. Và tôi nguyện cả đời này sẽ ra với Hoàng Sa, ra với phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, để Hoàng Sa gần lại với đất liền”, nghe anh nói, tôi có cảm giác đó chính là mệnh lệnh từ trái tim của những người con “xóm biển Hoàng Sa”.

Rời Ghềnh Cả, tạm biệt những ngư dân đang ngày đêm kiên cường bám biển Hoàng Sa – Trường Sa, dù có thể sẽ gặp nhiều bất trắc, cả thiên tai lẫn “nhân tai” nhưng họ vẫn không hề lùi bước. Tôi gọi họ là những “hùng binh Hoàng Sa” thời hiện đại. Riêng với cuốn sổ ghi chép các điểm cá ở Hoàng Sa- Trường Sa mà ngư dân Bùi Văn Tẩn đã, đang và sẽ tiếp tục ghi lại, tôi gọi đó là cuốn “gia phả đất Hoàng Sa” của anh, bởi như anh nói, “đây là bí kíp để lưu lại cho các thế hệ con cháu mai sau, để chúng biết rằng Hoàng Sa là ngư trường mà cha ông đã chiếm giữ, khai thác và truyền lại cho chúng!”. “Cả xóm Ghềnh Cả có 6 dòng họ lớn là: Bùi, Trương, Dương, Tiêu, Nguyễn, Phạm và dòng họ nào cũng có trai tráng thay nhau đến với Hoàng Sa từ bao đời nay. Tôi có 3 con trai thì 2 đứa theo cha làm nghề lặn biển ở Hoàng Sa. Con theo cha, anh theo em, cháu theo chú… cứ thế nối tiếp nhau thành truyền thống”-thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn nói chắc nịch…

Ký sự: Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)