Làng lặn biển

Để bắt được cá hoặc hải sâm ở những vùng nước sâu thợ lặn phải đánh cược mạng sống của mình dưới đáy biển.

(CAND) – Về thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào những ngày này, ta bắt gặp không khí tất bật và cuộc sống trù phú của ngư dân trên các làng chài nhỏ, bởi chủ sở hữu của hầu hết những ngôi nhà khang trang trong xóm đều là của những thợ lặn biển. Họ là thợ lặn cá hoặc hải sâm trên các tàu đánh bắt xa bờ cho thu nhập tiền tỷ sau chuyến vươn khơi. Trong đó, số lao động tham gia nghề lặn biển, phần đông là những thanh niên trai trẻ theo nghề “hái ra tiền” nhưng cũng lắm gian truân…

tho-lan-ls

Thợ lặn trên đảo chỉ được trang bị những thiết bị lặn hoang sơ nên nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Nghề lặn biển xuất hiện ở đảo Lý Sơn từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc đầu trong xóm chỉ vài người theo nghề, chỉ với chiếc gương lặn thô sơ tự tạo, họ lặn “bộ” ven đảo để kiếm con cá, con tôm. Do cho thu nhập cao nên chỉ thời gian ngắn, nghề lặn đã trở nên thịnh hành và thu hút đông thanh niên trai tráng tham gia, đến nay phần lớn ngư phủ trong xóm đều rủ nhau theo nghề lặn biển. “Nếu trúng đậm hải sâm, hoặc luồng cá lớn, chỉ một phiên biển mỗi thợ lặn cho thu nhập vài chục triệu đồng, có thợ một mùa biển kiếm gần nửa tỷ đồng, nhưng đổi lại cũng không ít người bị bại liệt hoặc tử nạn bởi nghề lặn nghiệt ngã”-ngư dân Bùi Văn Bốn, người có thâm niên 20 năm với nghề lặn cho biết. Còn ngư dân Lê Túc (48 tuổi), chủ tàu cá QNg 66029 TS, thì chuyên lặn hải sâm ở các ngư trường xa bờ như Trường Sa và giáp Indonesia…, trung bình mỗi năm thu nhập vài tỷ đồng. Tuy có thâm niên và kinh nghiệm trong nghề, nhưng khi nói về nghề lặn gian truân của mình, anh Túc vẫn lộ rõ sự lo lắng. Bởi theo anh Túc, nghề lặn dễ kiếm tiền nhưng cũng vất vả và đầy hiểm nguy. Chỉ một sơ suất nhỏ hoặc chủ quan lơ là khi ở dưới đáy biển dù là thợ lặn kỳ cựu cũng có thể tàn tật suốt đời hoặc bỏ mạng dưới đáy biển sâu.

tho-lan-ls1

Nhiều thợ lặn bị cụt một tay vẫn phải lặn biển vì cơm áo gạo tiền

Theo ngư dân Lê Túc, một tàu lặn hải sâm được trang bị ít nhất 3 đường dây lặn, mỗi dây do 2 hoặc 3 thợ lặn phụ trách, lặn luân phiên theo ca, tùy theo độ sâu mà mỗi ca lặn kéo dài từ 30 – 45 phút, mỗi ngày một thợ lặn kỳ cựu thực hiện không quá 3 ca, thu nhập của mỗi chuyến biển được tính ăn chia theo sản phẩm giữa chủ tàu và thợ lặn, nếu ai gặp rủi ro thì người ấy chịu, chủ tàu không có trách nhiệm mà chỉ có hỗ trợ đôi chút. Để lặn được những con hải sâm “khủng” nằm ở độ sâu gần trăm mét nước có giá trị tiền triệu, đòi hỏi thợ lặn phải có kinh nghiệm và sức khỏe, mỗi chuyến vươn khơi, một tàu phải lênh đênh trên biển cả tháng, nếu gặp may, suôn sẻ, một chuyến biển thu nhập trung bình của một thợ lặn được khoảng vài chục triệu đồng. Ngư dân Đặng Thành Lộc (24 tuổi), cho biết, đồ lặn chỉ là quần áo thun bình thường, khi bước chân xuống nước, lưng mỗi người phải cõng 10 -15 kg chì hoặc sắt để cơ thể không nổi lên, nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều thợ lặn phải mang tàn tật suốt đời hay bỏ mạng dưới đáy biển sâu nếu bất ngờ gặp phải sự cố, thì không thể ngoi nhanh lên mặt nước, nhiều thợ lặn kỳ cựu gặp rủi ro sự cố cũng không thoát được “ tử thần” đã không ít người giờ vẫn phải hứng chịu di chứng từ nghề lặn, nặng thì bị liệt nửa người, nhẹ cũng bị ù tai, giảm thị lực.

tho-lan-ls2

Ngư dân Bùi Huệ một trong những ngư dân phải chịu dị tật suốt đời sau một ca lặn biển bị tai biến..

Theo thống kê, hiện trên địa bàn H. Lý Sơn có hơn 100 tàu cá của ngư dân đang hành nghề lặn, tuy biết trước hiểm nguy trong nghề nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ phải đặt cược mạng sống của mình dưới đáy biển sâu.

Anh Thư