Lớp lớp cột mốc sống giữ biển – Bài 4: Chồng chất khó khăn

Cuộc sống đi biển của ngư dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn kể từ khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ô nhiễm môi trường biển trên diện rộng khiến cá chết hàng loạt dọc mấy tỉnh Bắc Trung Bộ. Ra biển đã gặp nhiều hiểm nguy như vậy, nhưng đến khi đánh bắt được hải sản về, họ không bán được hoặc phải đối diện với tình cảnh rớt giá, không đủ bù chi phí mỗi chuyến đi biển. Khó khăn chất chồng khó khăn trên đôi vai gầy guộc, gân guốc của những ngư dân miền Trung.

Trở thành con nợ

Sau vụ bị rượt đuổi và đập phá tài sản gần đảo Cây Dừa (Hoàng Sa) ngày 15-8-2014, ông Lê Khởi buộc phải cho tàu quay về Lý Sơn. Chuyến đó tàu ông Khởi thua lỗ gần 500 triệu đồng. Về đến đảo, ông lại chạy vạy, vay mướn để sắm lại trang thiết bị và ngư cụ. “Cũng may là Nghiệp đoàn cũng hỗ trợ một phần nào đó từ tiền quỹ của đoàn viên cùng với hỗ trợ của các cấp”, ông Khởi cho biết. Từ đó, ông cùng các bạn chài lại động viên nhau vươn khơi, bám biển trở lại vừa để mưu sinh, vừa để trả nợ.

ngu-dan-ly-son-danh-bat-ca

Ngư dân Lý Sơn đánh bắt cá

Trong Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, anh Bùi Văn Phải cũng đã từng lâm vào cảnh nợ nần giống ông Khởi sau khi cố gắng bám biển Hoàng Sa. Anh nhớ lại, ngày 13-3-2013, đang khai thác hải sâm gần đảo Lin Côn thì bị tàu của đối phương xua đuổi, phải chạy ra ngoài hải phận quốc tế thì thoát. Chiều đó, Phải cho tàu quay lại để khai thác tiếp. Đến ngày 20-3, lúc hơn 7h, tàu đang khai thác thì một tàu chiến màu xanh xám trong đảo Lin Côn chạy ra. Thấy thế, Phải gọi mấy thợ lặn ở dưới biển lên tàu kịp thời rồi chạy. Khoảng 20 phút sau, tàu 786 của những kẻ chiếm giữ trái phép biển đảo của ta lại áp sát và bắn liên tục. Phải vẫn cho tàu chạy. “Chạy miết một chặp thì anh em phát hiện ra nóc cabin đang bốc cháy, buộc phải dừng tàu lại, rồi hô anh em dập lửa”, Phải kể. Khi vọt lên nóc cabin thì thấy lửa cháy vào cờ Tổ quốc, Phải đã dập lửa ở lá cờ trước. Sau đó, anh ngó qua bên tàu đối phương thấy có 2 người cầm vòi rồng để xịt qua, Phải lại cho tàu chạy hướng về Lý Sơn. “Chạy để đề phòng bị bắt giữ”, Phải kể.

Sau chuyến đó về, Phải vẫn tiếp tục đi Hoàng Sa, và còn bị tàu hải cảnh nước ngoài áp rượt mấy lần. Đi vài chuyến vẫn bị xua đuổi nên khai thác không có hiệu quả. Trong cơn bão số 5 của năm 2013, Phải đang khai thác thì nghe tàu 96053 của ông Mai Văn Cường bị chết máy cách đảo Phú Lâm khoảng 16 hải lý, anh đã ngừng khai thác chạy tàu ra đưa tàu của ông Cường về bờ bảo đảm an toàn được cả người và tàu. “Sau này, bị thua lỗ nhiều quá nên bị siết nợ buộc phải trả lại tàu cho chủ nậu”, Phải buồn rầu. Ngày đó, tổng số nợ của Phải lên đến gần 400 triệu đồng. Trước lúc Nghiệp đoàn hỗ trợ, anh buộc phải đi làm mướn cho các chủ tàu khác để duy trì cuộc sống gia đình và gom góp trả nợ.

Ngư dân trên đảo từ lứa ông Khởi, ông Hùng, ông Hơn, ông Thành hay trẻ hơn như anh Phải, anh Hiền dù đã vượt qua sóng gió, bất chấp xua đuổi, đập phá để bám biển nhưng thật không dễ dàng gì. Vô hình trung, họ trở thành con nợ trên chính con tàu của mình.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

tau-vo-thep

Nhiều tàu cá vỏ thép được bàn giao cho ngư dân để tiếp tục đánh bắt thủy hải sản trên biển Đông

Trên địa bàn xã An Hải có tổng số 124 tàu thuyền, trong đó, số thuyền đánh bắt xa bờ có công suất 90CV trở lên dao động từ 50 đến 60 chiếc, thường xuyên bám biển đánh bắt hải sản và khẳng định chủ quyền biển đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường bị các tàu lạ đâm va, đập phá lấy tài sản của ngư dân. Chủ tịch UBND xã An Hải Lê Hoài Ân cho biết, sau mỗi lần có báo về việc tàu ngư dân bị thiệt hại, chính quyền xã phối hợp với đồn biên phòng và các cơ quan chức năng huyện xuống kiểm tra lại thiệt hại tài sản, kịp thời báo cáo cấp trên để có chính sách hỗ trợ. Việc quan trọng là cần kịp thời thăm hỏi, động viên ngư dân.

Về phần chính quyền huyện, tàu nào gặp nạn do thiên tai hoặc bị tàu lạ đâm, phá sẽ được hỗ trợ cả về vật chất cũng như tinh thần. Cụ thể là huyện Lý Sơn hỗ trợ 3 tháng gạo ăn cho chủ tàu và cho các thuyền viên trên tàu gặp nạn. Đồng thời, UBND huyện kêu gọi các tổ chức trong nước khi ra Lý Sơn hỗ trợ thì quan tâm đến người gặp nạn trước. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng phải thừa nhận: “Đây mới chỉ là những hỗ trợ ở mức động viên nhằm giúp ngư dân cố gắng bám biển, chứ thực tế vẫn chẳng thể bù đắp được những thiệt hại của bà con”.

Những lời thăm hỏi động viên và hỗ trợ của các cấp đã phần nào giúp ngư dân Lý Sơn vững tin, bám biển để mưu sinh và trả nợ. Đến đầu năm 2014, Bùi Văn Phải được nhận một chiếc tàu do Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải giao được đóng bằng nguồn vốn của Quỹ Tấm lòng vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến năm 2016, sau khi đánh bắt bằng tàu mới sang năm thứ 3, cuộc sống gia đình đã tương đối ổn định. Từ khi nhận tàu đến giờ, Phải đã gom góp trả gần hết nợ. “Nếu mà không tính chi tiêu để nuôi vợ, nuôi con thì chắc là đã trả hết, nhưng cứ lo cho gia đình đầy đủ đã”, Phải chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của Phải, cứ ở đâu khai thác được thì đi, nếu ngư trường Hoàng Sa làm được thì đi Hoàng Sa và nếu Trường Sa có cá thì đi Trường Sa. Tùy theo mùa, tùy theo con nước, tùy theo từng chuyến biển mà anh hướng tàu đi Trường Sa hoặc Hoàng Sa. Gánh nặng nợ nần ở trên vai cùng vợ con ở nhà đã khiến Phải buộc phải lấy hiệu quả của từng chuyến biển làm đầu. Vì thế, số lần Phải hướng tàu đi Hoàng Sa giảm hẳn so với trước.

“Không đủ bù tổn”

Đó là câu trả lời của anh Trần Hiền, nhà ở thôn Tây, xã An Vĩnh sau khi vừa đánh bắt ở Hoàng Sa về. Đợt này tàu anh Hiền đánh bắt được khá nhiều cá như vàng ri, cá chờm, nục xanh… nhưng bán rẻ quá nên không đủ bù chi phí. “Đi vất vả mà về vẫn không đủ cái ăn nên tạm nghỉ vài bữa để nghe ngóng đã”, anh Hiền tâm tư. Giống như Lê Khởi, Lê Hùng, Lê Hơn và những ngư dân khác, Trần Hiền cho rằng trước đây, dù bị xua đuổi, đập phá nhiều nhưng cá còn được giá nên các anh vẫn đi. Những lần may mắn không đụng độ thì họ kiếm rất được. “Chuyến được bù chuyến mất còn nhúc nhắc trả nợ dần và vẫn có cái ăn”, anh Hiền nói.

Chưa kịp thoát nợ, ngư dân Lý Sơn lại phải đối mặt với thực tế phũ phàng là giá hải sản giảm thê thảm từ khi Công ty Formosa gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc các tỉnh từ Hà Tĩnh đổ vào đến Thừa Thiên – Huế. “Không đủ bù tổn” trở thành điệp khúc buồn của ngư dân Lý Sơn.

Đã ngoài 80, cụ Võ Hiển Đạt (thường được gọi là cụ Hộ), người được coi là “giữ túi khôn” của đảo Lý Sơn lý giải rất đơn giản: “Từ bao đời nay, ngư dân đi đánh bắt thì thường khó giàu hơn ngư thương”. Quan hệ giữa ngư dân và chủ nậu là mối quan hệ hữu cơ từ lâu. Khi chưa có ngân hàng, chưa có chính sách thì ngư dân Lý Sơn vẫn phải vay mượn của chủ nậu để đóng tàu thuyền, sắm sửa thiết bị đi biển. Nên việc chủ nậu có thu mua giá rẻ hơn giá thị trường để bù lại chi phí cũng là điều đương nhiên. “Nay thu mua hải sản của ngư dân lại không bán được thì ngư thương cũng gặp khó”, cụ Hộ lập luận, “huống hồ là ngư dân”.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng Viên Hà Nội Mới