NDĐT – Chỉ mất mười phút, chiếc tàu cao tốc đưa chúng tôi từ đảo Lý Sơn sang đảo Bé, còn được gọi là cù lao Bờ Bãi hay Xã đảo An Bình. Nếu đi thuyền gỗ của dân thì phải mất 40 phút. Theo đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi về làm việc với xã đảo An Bình, chúng tôi thấm thía những cái khó của hòn đảo nhỏ này.
Đảo Bé thiếu nhất là nước ngọt. Nguồn nước mưa được tận dụng triệt để, nhà nào cũng có chum, vại lớn chứa nước. Trạm cấp nước ngọt trên đảo sản xuất 25 m3 nước mỗi ngày, phải hết sức dành dụm mới đủ dùng. Mùa biển động, đảo Bé bị cô lập hoàn toàn. Có khi hai tháng trời tàu thuyền không cập bến được. Do đó mà trước mỗi mùa bão, bà con phải lo tích trữ lương thực đề phòng bị thiếu đói vì đảo không sản xuất được lương thực. Từ đầu năm nay, mỗi ngày đảo được cấp điện chín tiếng từ hai tổ máy phát điện diezel. Nguồn điện chưa thật sự ổn định, nên bà con chưa mua sắm nhiều. Để duy trì cuộc sống trên đảo, hầu như mọi thứ phải chở từ đất liền và đảo Lớn sang.
Nhưng chính vì thiếu các phương tiện hiện đại mà đảo Bé còn giữ được nét hoang sơ, làm ngơ ngẩn hồn du khách. Bãi tắm An Bình lọt thỏm giữa những vách đá núi lửa kỳ vĩ, trong suốt tận đáy tạo nên cảnh quan như thiên đường. Những cây dừa vút cao giữa những khối đá, nhìn ra biển ngạo nghễ. Tỏi, ngô mọc từ cát và đá. Biển xanh lạ kỳ. Đường bê-tông chạy khắp đảo, chỉ đủ rộng cho xe điện. Dân số trên đảo theo đăng ký là 516 khẩu, 125 hộ nhưng bà con thường xuyên đi biển, sang đảo Lớn hoặc vào đất liền làm ăn. Cả năm, trên đảo Bé chả xảy ra vụ việc gì vì mọi người đều là họ hàng, chia sẻ với nhau từng lít nước ngọt. Vậy nên cái tên đảo An Bình thật là hợp với khung cảnh nơi đây.
Chúng tôi ra thăm đảo Lý Sơn đúng ngày Tập đoàn Mường Thanh khánh thành một khách sạn bốn sao mang tên Mường Thanh Holiday Lý Sơn. Công trình đẳng cấp này đánh dấu một mốc phát triển du lịch mới trên đảo. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phát biểu chúc mừng sự kiện không cần giấy tờ mà nói như thuộc lòng về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội của Lý Sơn. Những miệng núi lửa, những vách đá đen tạo thành từ trầm tích núi lửa, những rạn san hô ẩn hiện dưới làn nước trong xanh, những gành đá còn nguyên dấu vết phun trào cách đây 30 triệu năm trước cùng với cảnh quan thiên nhiên hài hoà đang đưa Lý Sơn đến gần hơn với danh xưng Công viên địa chất toàn cầu.
“Đặc sản” khó quên nhất của Lý Sơn có lẽ là giọng nói của bà con trên đảo. Giọng Quảng Ngãi vốn đã nặng và khó nghe đối với người xứ Bắc, nhưng giọng Lý Sơn khó nghe hơn nhiều. Tôi phải nghiêng người chú ý hết cỡ mỗi khi trao đổi công việc. Đàn ông nói to, giọng ồm ồm, nặng và mặn. Họ “ăn sóng, nói gió” giữa bao la Biển Đông suốt ngày, không thể thì thầm được. Lúc trao đổi với ông Lê Bá Đại, cựu chiến binh, Bí thư chi bộ thôn Tây thuộc xã An Vĩnh trên đảo Lớn, tôi phải nhờ anh cán bộ tỉnh ngồi kế bên “phiên dịch” mới nghe được phần nào.
Bắt tay thân mật những cán bộ, người dân trên đảo tôi chợt nhận thấy một điều đặc biệt: bàn tay của họ rất lớn, những ngón tay cứng như sắt. Nhìn kỹ thì bàn chân cũng rất lớn, dù họ không phải ngư dân. Có lẽ, do từ nhỏ đã phải bám vào vách đá, chèo thuyền, đi biển nên bàn tay, bàn chân người Lý Sơn to, chắc như thế?! Xem cái cách người dân làm sạch rong biển (hay còn gọi là rau câu chân vịt) mới thấy sự kỳ công. Rong bám chắc vào san hô, nên người dân phải phơi rong trên đường cho xe nghiền qua nghiền lại để tách rong ra khỏi đá, rồi đem về nhà giã, đập, chao qua chao lại thật kỹ mới có được sợi rong trắng bổ dưỡng.
Con người trên đảo chính là hiện thân văn hóa nghìn đời khai thác biển cả và chinh phục thiên nhiên xứ này. Có thể dễ dàng cảm nhận tấm lòng hồn hậu của họ nếu trải nghiệm dịch vụ homestay, cùng ngư dân đi bắt nhum (nhím biển) hay câu mực buổi tối. Một đồng nghiệp quê ở Quảng Ngãi nhắn nhủ với tôi: “Quần đảo này lành lắm, lành mọi nhẽ, từ con người, thiên nhiên đến xã hội”. Thảo nào gần đây, ngày càng nhiều người ra với Lý Sơn. Các nhà đầu tư đang ngắm nghía đầu tư vào đảo Bé. Đảo Lớn đang thu hút một số dự án đầu tư mới vào đường sá, khách sạn, tàu thuyền. Nhiều công trình dân sinh đang mọc lên, biến hòn đảo trù phú trở thành một đô thị sầm uất với hơn 20 nghìn dân. Năm trước, có 100 nghìn du khách tìm đến đây. Chỉ sáu tháng đầu năm nay đã có hơn 60 nghìn lượt du khách đến Lý Sơn và con số này đang tăng rất nhanh.
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bày tỏ tâm tư, để Lý Sơn phát triển nhanh và bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng gió bão. Trong tương lai, mong muốn có khu du lịch cao cấp ở đảo Bé vì còn quỹ đất 70 ha, quang cảnh hoang sơ, trong khi đảo Lớn chật chội, đất đã được quy hoạch trồng tỏi, hành. Hiện nay đang có dự án kéo cáp ngầm từ đảo Lớn sang đảo Bé, việc nâng cấp đường truyền internet, phủ sóng wifi đang được triển khai.
Với vị trí trọng yếu quốc gia, chỉ cách quần đảo Hoàng Sa của nước ta hơn 100 hải lý, huyện đảo Lý Sơn xứng đáng được hưởng các cơ chế đặc biệt dành cho một đặc khu quốc phòng an ninh – kinh tế biển. Trong quá trình phát triển sắp tới, các giá trị văn hóa cần tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu và phát huy, nhất là các giá trị về nhân chủng học, đạo đức, lối sống để phác hoạ chân dung người Lý Sơn với những đặc trưng riêng biệt. Chính con người nơi đây mới là tài sản quý giá nhất, là hiện hữu của chủ quyền quốc gia và văn hóa Việt Nam ở khu vực biển Hoàng Sa. Để bám trụ vững chắc trên những hòn đảo tiền tiêu này, cần những người hiểu biển và yêu biển tha thiết như người Lý Sơn.
Hà Hồng Hà