(Báo Quảng Ngãi)- Rạn san hô được xem là “mưa nhiệt đới của biển”. Thế nhưng, hiện nay rạn san hô ven biển Lý Sơn đang trong tình trạng suy giảm về độ phủ, diện tích phân bổ… Vì vậy, việc khôi phục rạn san hô ven biển Lý Sơn là việc cấp thiết.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đối với một đảo biệt lập ở vùng biển nhiều sóng gió như Lý Sơn, rạn san hô có khả năng triệt tiêu sóng, bảo vệ bờ… Và quan trọng hơn, san hô đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho người dân.
Theo nhiều nông dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn, sở dĩ Tỏi Lý Sơn có vị thơm ngon đặc trưng và tạo được thương hiệu là bởi, tỏi nơi đây được trồng trên thứ cát pha lẫn với đá san hô mà ít nơi nào có được.Lý Sơn là vùng biển có tính đa dạng sinh học khá cao với 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 15 loài giáp xác, 100 loài san hô, 150 loài rong biển… Ngoài việc đem lại cho 60% số hộ dân trên đảo sống bằng nghề biển, nguồn lợi thủy sản dồi dào từ sự đa dạng, thì nó còn mang đến lợi ích cho gần 30% số hộ dân sống bằng nghề trồng hành, tỏi.
Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà rạn san hô quanh đảo đang dần mất đi, khi mà hoạt động khai thác cát từ đáy biển để phục vụ nghề trồng hành, tỏi diễn ra ồ ạt. Hay việc sử dụng thuốc nổ để khai thác thủy sản cũng được xem là mối đe dọa hiện hữu nhất đối với rạn san hô.
Trước thực trạng suy giảm chất lượng hệ sinh thái rạn san hô ở vùng biển ven bờ huyện Lý Sơn, thì việc tìm kiếm những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái, phục hồi quần cư, tái tạo nguồn sinh vật là vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Và dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ biển Lý Sơn” đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong năm 2015.
Cùng lúc đó UBND Quảng Ngãi đang quy hoạch xây dựng Đề án lập Khu bảo tồn huyện đảo Lý Sơn nhằm gắn kết, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Theo đó, vùng bảo tồn thiên nhiên Lý Sơn có quy hoạch hơn 4.000ha, với tổng đầu tư khoảng 37 tỷ đồng. Trong đó, khu phục hồi san hô hơn 1.600ha và rong, cỏ biển là hơn 300ha.
Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền – Phó Giám đốc Bảo tàng Hải dương học, Chủ nhiệm Dự án, tình trạng khai thác tài nguyên rạn san hô một cách hủy diệt và không hợp lý như hiện nay ở Lý Sơn, dẫn đến tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, suy giảm nguồn lợi thủy sản và các hiện tượng bất thường khác, như hiện tượng bùng nổ sao biển gai diễn ra ở đây vào năm 2007.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng việc tác động của con người làm phá vỡ cân bằng sinh thái cũng như làm thay đổi chất lượng môi trường là nguyên nhân chủ yếu. Trong tương lai, khi nguồn lợi thủy sản không còn, trồng hành tỏi giảm sút do không còn cát san hô và tình trạng xói lở nghiêm trọng hơn… cuộc sống của người dân trên đảo vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nếu khai thác mà không có giải pháp để phục hồi, tái tạo thì san hô ở Lý Sơn sẽ ngày càng suy kiệt.
Trong tương lai, khi du lịch biển Lý Sơn phát triển, rạn san hô còn đóng vai trò quan trọng để làm đa dạng hóa loại hình du lịch, bằng hình thức cho du khách lặn và sử dụng các dịch vụ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đại dương.
Nói về dự án này, ông Bền cho biết thêm: “Dự án có điểm đặc biệt là sẽ thực hiện đào tạo cộng đồng, tức người dân, những đối tượng biết lặn và công việc thường ngày có liên quan đến biển sẽ cùng tham gia làm việc với các nhà khoa học. Qua thực tế làm việc, người dân sẽ hiểu được để có một cành san hô tốt, một khu vực rạn san hô đẹp thì công sức bỏ ra như thế nào, ý thức bảo vệ của người dân từ đó sẽ được nâng lên”.
Mô hình trồng phục hồi rạn san hô ở đảo Lý Sơn với quy mô 2ha, nằm trong phạm vi dự án quy hoạch khu bảo tồn biển Lý Sơn. Dù dự án mới ở bước khởi đầu, nhưng hy vọng sẽ thành công, để mang đến cho người dân nguồn lợi dồi dào không chỉ từ khai thác thủy sản, nông nghiệp.
Bài, ảnh: Thu Hiền