Có ra biển, mới càng yêu biển. Một nhà làm phim nước ngoài, sau mấy ngày tác nghiệp trên biển Lý Sơn trong hành trình làm phim về Biển Đông, đã thốt lên: Biển Việt Nam quá đẹp. Tôi muốn làm người Việt Nam. Tên Việt Nam của tôi là “Hoàng Sa”.
Không riêng gì anh bạn nước ngoài này, mỗi năm gần đây, 5000-7000 du khách từ các miền đất nước ta ra thăm Lý Sơn đều tâm tưởng đến Hoàng Sa.
Hơn 400 năm qua, từ khi người Việt ra lập nghiệp ở Cù lao Ré, nay còn gọi Lý Sơn, Hoàng Sa là một phần gần gũi của đời sống người dân đảo nơi đây. Hàng năm, vào mùa thuận gió, “Đội Hoàng Sa” gồm những người con ưu tú quả cảm của Lý Sơn đã ra các đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản, yến sào, thu hoạch các của cải, vũ khí trên những con tàu đắm trôi dạt vào các đảo Hoàng Sa.
Năm 1816, Hoàng đế Gia Long ra sắc lệnh sáp nhập quần đảo này vào nước Đại Nam. Hải quân Triều Nguyễn dưới thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đã phát triển đến đỉnh cao, đã thay các đội Hoàng Sa ra thực thi chủ quyền và quản lý quần đảo Hoàng Sa. Vua Minh Mạng đã chỉ thị đo đạc luồng lạch, xác định chỉ giới của quần đảo.
Năm 1838, Triều đình Đại Nam xuất bản tấm bản đồ hành chính đầu tiên của Việt Nam, hiện hữu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tấm bản đồ này, cùng với mốc chủ quyền được nhà nước bảo hộ Pháp và chính quyền Nam Triều dựng trên đảo năm 1936 đã gây ấn tượng lớn cho đoàn làm phim của một hãng truyền hình Pháp. Chúng khẳng định Việt Nam chính là quốc gia xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa. Không một bên tranh chấp nào ở Biển Đông có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa như nước Việt Nam ta.
Việt Nam là một quốc gia biển, có 1 triệu km2 biển. Đó là không gian sinh tồn của người Việt. Những ngư dân Lý Sơn, cùng với bà con từ bờ biển Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tình miền Trung Nam bộ Việt Nam đã ra khơi vì mưu sinh và góp phần xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia.
Ngày nay, một thuyền đánh cá bình thường chỉ mất 20 tiếng đồng hồ là đến khu vực đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa. Nhưng họ đã phải vượt qua những thử thách không chỉ của thiên nhiên mùa bão tố, mà thử thách lớn nhất vẫn là từ tàu thuyền quân sự và dân sự Trung Quốc thường xuyên đàn áp, xua đuổi hay cướp đoạt tài sản của các tàu thuyền ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của người Việt.
Các vụ vi phạm ngày càng trắng trợn, đặc biệt phổ biến từ năm 2010 đến nay. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục bồi đắp các đảo Hoàng Sa, biến thành các cứ điểm quân dân sự. Họ càng ra sức ngăn chặn ngư dân Việt Nam tiếp cận các đảo thuộc Hoàng Sa. Nhưng người dân Lý Sơn vẫn quyết tâm bám biển. Mỗi lần ra khơi thường kéo dài 20 ngày đến một tháng.
Hành trình khám phá Biển Đông, khám phá Lý Sơn của đoàn làm phim
Kinh tế biển và du lịch là hai động lực phát triển của Lý Sơn
Hòn đảo này nổi tiếng đặc sản tỏi Lý Sơn, rong biển, tôm hùm… Anh Bùi Anh Hùng (người trong ảnh) là người đầu tiên học tập công nghệ, tạo ra bè nuôi tôm hùm và cá, hàng năm thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng. Hiện nay tại Vịnh Mù Cu, xã An Hải, cùng với anh Hùng, còn có 64 hộ nuôi trồng tôm và cá. Thách thức lớn nhất đối với họ là bảo đảm môi trường biển thích hợp cho việc nuôi trồng hải sản.
Những hang động kỳ thú hình thành từ núi lửa cách đây khoảng 25-30 triệu năm, những bãi tắm ẩn mình giữa thiên nhiên hoang sơ với sóng vỗ bờ nhè nhẹ, mặt nước trong xanh, đã thu hút trai thanh, gái lịch đến tham quan, du lịch, tắm biển. Khoảng 30 di tích lịch sử văn hóa nằm rải rác trên đảo làm cho cuộc hành trình khám phá Lý Sơn thêm hấp dẫn.
Tại chợ đêm hải sản, du khách có thể thưởng thức các món đặc sản biển Lý Sơn hoặc Hoàng Sa được nướng hoặc hấp.
Vị đạo diễn người nước ngoài bên các khách du lịch người Việt tại Lý Sơn
Một lần đến Lý Sơn, tham quan nhà bảo tàng thu nhỏ lịch sử Lý Sơn và Hoàng Sa, nghiêng mình trước những ngôi “Mộ Gió” chiêu hồn những người con Lý Sơn bỏ mình trên biển cả, ta thấy càng hiểu sức mạnh thần kỳ gắn bó giữa người Việt và biển Việt Nam. Lý Sơn trong hai cuộc chiến tranh thế kỷ 20 là vùng “phi chiến địa”, ngày nay là một điểm tuyến đầu của đất nước hướng tới Hoàng Sa thân yêu./.
Nguyễn Ngọc Trường (từ Lý Sơn)