Mê biển, quên…yêu
Sau nhiều lần ra đảo Lý Sơn, tôi mới có cơ hội gặp được Chung, bởi lẽ quanh năm, suốt tháng anh cùng bạn chài luôn thường trực ở ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa để săn tìm hải sản dưới lòng đại dương. Chung thổ lộ. “Đối với tui, Hoàng Sa là nhà. Ngồi nhà vài bữa là nhớ biển Hoàng Sa quay quắt. Cũng vì quá mê biển nên quên cả…yêu đương”.
Trong căn nhà nhỏ nằm lẩn khuất sâu trong khu dân cư, Chung nói rằng cả gia đình 7 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ chuyến ra khơi của người cha, nên cuộc sống gia đình nghèo túng quanh năm. Thương cha, tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu nhưng vẫn cật lực bám biển nuôi sống gia đình nên khi mới 15 tuổi vừa học xong hết lớp 9, Chung đành ngậm ngùi bỏ dở chuyện học hành để theo các chú, các anh đi biển, đỡ đần bớt gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” với gia đình.
“Sinh ra từ biển, lớn lên từ biển, gia đình mấy đời đều đi biển nên số phận đã đưa đẩy tui gắn chặt với biển khơi, để từ đó trở thành người con của biển cả”, Chung mộc mạc nói.
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chỉ mấy năm sau, Chung trở thành thợ lặn can trường, dọc ngang khắp Hoàng Sa và không ít lần đối mặt bên lằn ranh sinh tử.
Cách đây 5 năm, trong lúc hành nghề trên ngư trường Hoàng Sa, Chung không may bị thương nặng. Sau 2 ngày 2 đêm, bạn chài cho tàu cá chạy hết tốc lực mới đưa Chung về đến đất liền chữa trị. Vào bệnh viện, vết thương trên người Chung bị nhiễm trùng nặng, thịt bị hoạt tử. Để cứu lấy mạng sống, các y. bác sĩ phải cắt bỏ một phần cánh tay phải và mắt phải bị mù hoàn toàn.
Số phận nghiệt ngã đã biến thợ lặn Chung trở thành người tàn phế nhưng khát khao chinh phục lòng đại dương ngày đêm vẫn cháy bỏng trong tim anh.
Khát khao chinh phục lòng đại dương
Sau khi ra viện, suốt 6 tháng liền rầu rỉ nằm nhà nhìn bạn chài í ới ra khơi, lòng Chung buồn vô kể. “Đời mình đã gắn chặt với biển, nếu không ra khơi được thì thà chết còn sướng hơn. Nghĩ vậy, tui cố công khổ luyện, khó mấy cũng phải làm. Được vẫy vùng trên biển, cuộc sống mới ý nghĩa”, Chung bộc bạch và nói rằng mọi việc phải làm lại từ đầu: tập lặn, tập mang vợt trên cánh tay phải bị cụt, tập bắt cá bằng tay trái…
Đời mình đã gắn chặt với biển, nếu không ra khơi được thì thà chết còn sướng hơn. Nghĩ vậy, tui cố công khổ luyện, khó mấy cũng phải làm. Được vẫy vùng trên biển, cuộc sống mới ý nghĩa”
Khí chất can trường Bùi Văn Chung
Sau những tháng ngày kiên nhẫn, miệt mài mang kính ra biển cật lực tập lặn, cuối cùng tố chất“con nhà tông” cũng đã giúp Chung quen dần với kỹ năng của một lặn săn hải sản dưới lòng biển sâu.
“Khi đó tui mừng hết lớn. Gặp ai, tui cũng khoe: Chung đã lặn được rồi, giờ không phải ngồi nhà nữa, ra biển thôi. Sướng thật!”, Chung nhớ lại
Cơ hội trở lại vùng biển Hoàng Sa đã đến với Chung nhưng con đường ra khơi lại gặp trở ngại, bởi nhiều chủ tàu cá trên đảo hoài nghi vì nghĩ rằng một người tàn phế như anh khó có thể lặn sâu hàng chục mét để bắt cá tôm nên họ đều từ chối khéo cho dù thợ lặn Chung cố nài nỉ. Không nản chí, Chung tìm đến thuyền trưởng trẻ Nguyễn Chí Thạnh tâm tình nỗi khát khao cháy bỏng được “cưỡi sóng đạp phong ba” nơi Hoàng Sa. Nghe vậy, thuyền trưởng Thạnh đồng ý ngay.
Theo thợ lặn Chung, do bị tàn tật nên những chuyến đầu ra khơi, công việc lặn sâu săn hải sản khá vất vả chứ không hề dễ dàng như trước, nhất là lúc gặp biển động, dòng hải lưu chảy mạnh, muốn trụ vững dưới đáy biển phải tốn nhiều sức lực hơn thợ lặn bình thường.
“Tui chỉ còn một tay, một mắt nên việc lặn bắt cá rất khó, nhiều lúc phải tạo thế mới bắt được cá. Thấy vậy, các bạn chài đi trên tàu luôn động viên khiến tui cảm thấy ấm lòng”, Chung bộc bạch.
Theo anh, đã xác định ra biển khơi thì phải chịu khổ, chịu cực, cố gắng hết sức lực. Chính vì vậy, bình thường, mỗi cú lặn chừng một giờ đồng hồ, riêng Chung kéo dài chừng 5 phút nữa kiếm thêm hải sản cho bằng anh em để trong lòng khỏi phải áy náy khi chia phần thu nhập. Suốt 5 năm bám Hoàng Sa bằng cơ thể không lành lặn, thợ lặn Chung giờ tự tin nói: “ Công việc vá luới, đan vợt thì tui bó tay chứ lặn bắt hải sản thì còn không thua kém anh em nữa”.
Theo thuyền trưởng Thạnh, đối với những ngư dân bình thường việc lặn sâu 50-60 m để săn tìm hải sản dưới lòng đại dương không phải ai cũng làm được. Song thợ lặn Chung- người thợ lặn tàn phế duy nhất trên đảo Lý Sơn suốt nhiều năm qua vẫn bám lòng biển sâu mưu sinh khiến những thợ lặn trên đất đảo đều khâm phục.
“Ý chí vượt qua nghịch cảnh của chính bản thân và tính cần mẫn trong công việc của thợ lặn Chung là tấm gương mà anh em bạn chài trẻ tuổi học hỏi. Nhờ ý chí ấy, mà cuộc đời của Chung tàn nhưng không phế, không chỉ là thợ lặn cừ khôi mà còn được cánh thợ lặn trên đảo còn đặt cho anh biệt danh “Chung rái cá”, thuyền trưởng Thạnh nhận xét.
Hiển Cừ