Trăn trở với Lý Sơn…* Bài cuối: Để Lý Sơn phát triển bền vững

(CADN) – “Lý Sơn không phải là nơi để phát triển đô thị, càng không phải là đô thị biển hiện đại. Bởi đất đai Lý Sơn nhỏ hẹp, cấu tạo địa chất đặc biệt, khác hẳn với những vùng biển đảo khác, nên nơi đây cần phải có kế hoạch bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan để thành đảo du lịch”, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi nhấn mạnh khi nói về định hướng phát triển ở Lý Sơn.

chek-in-ls4

Nhanh chóng quy hoạch tổng thể

Đồng quan điểm với TS Vũ, ông Phan Đình Độ, Trưởng phòng Quản lý Di sản Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho rằng: Để bảo tồn và phát triển Lý Sơn, về góc độ quản lý nhà nước thì phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch định hướng phát triển, mà quy hoạch đó phải phù hợp với điều kiện ở Lý Sơn, đó là cố gắng bảo tồn nguyên vẹn những giá trị hiện có, không nên thay đổi nhiều, hạn chế xây dựng những công trình lớn, quy mô… “Phải có quy hoạch tổng thể, nếu không thì chịu. Về lâu dài, phải từng bước tạo chuyển biến về mặt nhận thức để bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là cải tạo, quy hoạch lại các nghĩa địa trên đảo, thậm chí phải đầu tư xây dựng nghĩa trang công viên và biến nó thành một địa điểm du lịch nữa thì càng tốt; xa hơn là giải pháp hỏa táng. Đây là lợi ích xã hội rất lớn: Thứ nhất là tiết kiệm đất, thứ hai là tạo nên một công viên văn hóa nghĩa trang, kết hợp làm du lịch”, ông Độ nêu vấn đề.

“Đối với phát triển mỗi lĩnh vực cũng cần định hướng cho phù hợp. Không chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà đánh đổi giá trị của văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng, là thứ cần phải bảo tồn để phát triển bền vững”, TS Vũ nói. Theo TS Vũ, cấp thiết nhất hiện nay ở Lý Sơn là cần phải tăng cường sự quản lý của Nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng. Ngoài các quy hoạch đã ban hành, như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch…thì cần phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch xây dựng.

Hiện nay, hòn đảo này đang như một đại công trường xây dựng, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch và phá vỡ cảnh quan môi trường nghiêm trọng, dường như mất kiểm soát. Nhiều khách sạn, nhà hàng cao tầng đồ sộ được người dân và doanh nghiệp thi nhau xây dựng, mà đáng lẽ ra ở Lý Sơn chỉ nên xây dựng những công trình có chiều cao vừa phải, phù hợp với tự nhiên biển đảo và định hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng. “Bài học từ Cù lao Chàm (Quảng Nam) là không cho xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, không xây dựng bất cứ công trình cao tầng, bảo tồn nguyên trạng môi trường sinh thái, không xây dựng đường, bờ kè to lớn, nên mới được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại đây người dân địa phương được hướng dẫn làm dịch vụ, du lịch cộng đồng (homestay), nên Cù lao Chàm mỗi ngày đón hơn 4 ngàn lượt khách (trong khi dân số trên đảo chỉ hơn 2,7 ngàn người). Đây là những điều cần phải học hỏi và rút kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững tại Lý Sơn”, TS Vũ đúc rút từ thực tiễn.

tien-si-nguyen-dang-vu

TS Nguyễn Đăng Vũ, người có nhiều ý kiến tâm huyết với sự phát triển bền vững của Lý Sơn.

Cần bảo tồn nguyên trạng di tích

Theo TS Vũ, hiện nay Lý Sơn đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập Công viên địa chất và đang lập hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận Công viên địa chất quốc gia và toàn cầu, vì vậy, các di sản văn hóa, thắng cảnh như miệng núi lửa Giếng Tiền, núi Thới Lới, Chùa Hang, Hang Câu, cổng Tò Vò, đảo Bé, các thềm đá được cấu tạo bởi dung nham núi lửa… cần phải được bảo tồn nguyên trạng, hạn chế sự tác động của con người, làm thay đổi, biến dạng.

Ngày 15-9-2016 vừa qua, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn về thực trạng và một số giải pháp về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thắng cảnh, gắn liền với phát triển du lịch ở Lý Sơn, TS Nguyễn Đăng Vũ đã đề nghị lãnh đạo tỉnh kiên quyết không cho tiếp tục xây dựng con đường phía Bắc đảo Lớn. Bởi theo ông, nếu tiếp tục làm con đường này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thềm đá núi lửa tự nhiên, cứng cáp, đa dạng, vốn đã tồn tại hàng triệu năm nay; ảnh hưởng đến cảnh quan núi Giếng Tiền; có thể làm gãy đổ cổng Tò Vò, sạt lở thắng cảnh chùa Hang, Hang Câu bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa lũ… Ngoài ra, tại dọc tuyến đường bờ kè, do buông lỏng quản lý về đất đai nên sau khi nhà nước làm đường cơ động quanh đảo, nhiều diện tích đất đã bị người dân tự san lấp và chiếm dụng để làm hàng quán và nhà ở.

Vì vậy theo ông Vũ, khu vực này nếu quản lý tốt thì nên quy hoạch đầu tư xây dựng các điểm dừng chân cho du khách khi tham quan quanh đảo, hoặc trồng cây xanh ven đường sẽ tạo cảnh quan sinh thái, lối đi bộ cho du khách. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND H. Lý Sơn khắc phục ngay việc xây dựng trái phép tại Đỉnh Liêm tự (Chùa Đục), và kiên quyết phải tháo dỡ việc xây dựng này; bảo vệ hành lang an toàn cho khu vực giếng Xó La-là giếng nước ngọt tiêu biểu không phải của Lý Sơn mà còn của cả nước, là một di tích lịch sử văn hóa gắn liền với nền văn hóa Chăm – Việt; giải tỏa các hàng quán xung quanh cổng Tò Vò và có biện pháp quản lý không cho xây dựng lều quán tại chùa Hang – Hang Câu…

Còn tại đảo Bé, TS Vũ đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không cho xây dựng bất cứ công trình kiên cố, nhà hàng, khách sạn, resort nào tại đây, mà chỉ tạo điều kiện cho người dân làm du lịch, để người dân hưởng lợi từ thành quả của họ trong suốt thời gian dài bảo vệ đất đai của họ. “Nếu cho các doanh nghiệp xây dựng khách sạn, resort ở đây khác nào đuổi người dân đảo Bé đi chỗ khác sinh sống. Nên hướng dẫn nhân dân làm du lịch, dịch vụ bảo tồn môi trường đảo Bé theo hình thức homestay, xây dựng một nhà trưng bày nhỏ để trưng bày di sản địa chất, di sản văn hóa biển để khách tham quan, học tập, nghiên cứu và các nhà vệ sinh thân thiện với môi trường”…, TS Vũ nêu quan điểm.

Liên quan đến việc quản lý đất đai, cấp phép đầu tư trên đảo, TS Vũ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cần ban hành quy chế riêng. Theo đó, đối với các công trình được cấp phép đầu tư trên đảo cần phải có sự tham gia thẩm định của ngành VH-TT&DL trước khi thực hiện, nhằm đảm bảo những công trình đó không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, địa chất và việc lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu. “Hiện nay trên đảo Lý Sơn đã có 4 khách sạn, hơn 30 nhà nghỉ, hơn 40 hộ dân làm homestay, vì thế không nên cho xây dựng thêm bất cứ khách sạn nào trên đảo Lớn lẫn đảo Bé, mà nên tiếp tục hình thức du lịch cộng đồng để cho người dân Lý Sơn được hưởng lợi từ mảnh đất mà họ đã bảo vệ và giữ gìn suốt 5, 6 thế kỷ qua”, TS Vũ nói.

Về nguy cơ nguồn nước ngầm trên đảo bị cạn kiệt và nhiễm mặn do nhu cầu sản xuất và sinh hoạt lớn, ông Vũ đề xuất cần phải quản lý việc khai thác giếng khoan và bảo vệ các giếng có nguồn nước ngọt dồi dào. Cần nhận thức và xem nguồn nước ngọt trên đảo là nguồn tài nguyên quý giá đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, vì vậy nên chú trọng việc trồng cây vừa để tạo cảnh quan, vừa giữ nguồn nước ngầm trên đảo. Một vấn đề không kém phần quan trọng khác, đó là nhu cầu về đất đai phục vụ dân sinh rất lớn. “Tại Lý Sơn, đến đâu cũng nhìn thấy mồ mả và nghĩa địa dày đặc trên các sườn núi Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung, và nếu không có giải pháp khắc phục thì đến vài chục năm nữa, Lý Sơn chỉ là một…nghĩa địa. Do vậy cần có giải pháp thỏa đáng cho việc quy tập mồ mả, cải thiện ý thức người dân thích nghi dần với việc hỏa táng, xa hơn là quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang trên đảo”, TS Vũ lo lắng và nêu giải pháp cho vấn đề.

Còn rất nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững trên đảo Lý Sơn mà cá nhân ông Vũ cũng như Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi nêu ra. “Những kiến nghị trên có thể chưa đầy đủ và cũng là ý kiến của một ngành, nhưng là những kiến nghị tâm huyết cho một Lý Sơn phát triển bền vững, mà Lý Sơn phát triển và trở thành Công viên địa chất toàn cầu thì cả tỉnh Quảng Ngãi cũng phát triển và được hưởng lợi. Mong rằng lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét, cân nhắc khi định hướng phát triển cho Lý Sơn trong thời gian tới”, TS Nguyễn Đăng Vũ tha thiết đề nghị.

Doãn Hùng